Xã hội

Mơ ước cây cầu nối đôi bờ cách trở

TRIÊU NHAN 07/05/2024 16:22

(QNO) - Người dân 2 thôn Trúc Hà và Chấn Sơn (xã Đại Hưng) - vùng “rốn lũ” của huyện Đại Lộc đang mong chờ một cây cầu dân sinh nối đôi bờ sông Côn.

Cách trở...

dai-hung-7.jpg
Mùa nước cạn, người dân lội sông Côn qua lại sản xuất. Ảnh: TRIÊU NHAN

Chiều muộn, đứng bên này sông Côn của làng Trúc Hà nhìn qua bờ bên kia sông là thôn Chấn Sơn, ai nấy đau đáu, mơ ước về một ngày có được cây cầu nối đôi bờ.

Thôn Trúc Hà (xã Đại Hưng) có 500 hộ dân với khoảng 2.500 khẩu, nằm trên rẻo đất ven sông Côn. Bên kia sông Côn, nổng đất rộng hàng chục héc ta của thôn Chấn Sơn (nay là thôn Thái Chấn Sơn) là đất canh tác của dân làng Trúc Hà. Mỗi ngày, người dân Trúc Hà phải chèo ghe qua sông để sản xuất, làm ăn với nhiều khó khăn, chật vật. Người có xe máy thì có thể đi vòng 6 - 7 cây số để đến vùng sản xuất; trong khi chỉ chưa đầy nửa cây số tính theo đường chim bay là đã tới được vùng sản xuất bên kia sông.

“Bình thường mùa hạn này sông rất cạn, nếu người biết bơi có thể lựa chỗ nông để lội qua bên kia sông sản xuất, làm đồng. Tuy nhiên, việc lội sông đầy rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước bởi lòng sông chỗ cạn, chỗ sâu. Muốn đi nhanh thì chỉ còn cách chèo ghe qua lại làm đồng. Nhưng vào mùa mưa, chèo ghe rất nguy hiểm, đã bao vụ chìm ghe, chết người xảy ra trên khúc sông này” - ông Lê Công Kính (người dân thôn Trúc Hà) chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Ân (một người dân Trúc Hà) nói: “Người dân ở đây làm ruộng, làm hoa màu bên kia khổ lắm. Đa phần đời sống của bà con đều phụ thuộc vào nông nghiệp, kinh tế nằm bên kia hết nên phải đi qua lại vất vả. Vào vụ thu hoạch mùa màng, phải thuê xe tải chở nông sản về làng, tốn rất nhiều tiền, lãi chẳng được bao nhiêu đồng” - ông Ân nói.

dai-hung-1.jpg
Nhân dân thôn Trúc Hà và thôn Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng) mong mỏi có được cây cầu nối đôi bờ sông Côn. Ảnh: TRIÊU NHAN

Cây cầu không chỉ là niềm mơ ước của người dân Trúc Hà, mà còn là niềm mong mỏi của người dân thôn Thái Chấn Sơn bên kia sông Côn. Bên này, người dân Trúc Hà phải lặn lội qua bên kia sản xuất thì ngược lại, người dân Thái Chấn Sơn bên kia sông cũng vượt sông hay vượt đoạn đường 6 - 7 cây số qua Trúc Hà đi chợ.

Trẻ em thôn Thái Chấn Sơn đi học phải vượt chặng đường xa 6 - 7 cây số qua trường học ở Trúc Hà, hoặc phải xuống tận các trường cấp 1, cấp 2 của xã Đại Lãnh để học. "Ước gì có cây cầu, trẻ con đi học bớt khổ, người dân chúng tôi cũng được nhờ” - một người dân Thái Chấn Sơn nói.

Cây cầu mơ ước

Ông Nguyễn Đình Phúc - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Trúc Hà cho rằng nếu có cây cầu, đời sống văn hóa tinh thần cũng như đời sống kinh tế của người dân 2 thôn nói riêng, xã Đại Hưng nói chung thay đổi rất nhiều. "Toàn thôn Trúc Hà có hơn 100ha đất sản xuất nhưng bên kia sông đã có gần 20ha, với hơn 100 hộ hằng ngày qua lại bên kia sông để sản xuất. Nếu có cầu, việc qua lại có thể rút ngắn được 1/3 chặng đường. Người dân đi chợ, trẻ em đi học cũng tiện lợi rất nhiều" - ông Phúc nói.

Người dân Thái Chấn Sơn cũng có chung niềm mong mỏi như vậy. Ông Trần Đắc Hân - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thái Chấn Sơn cho rằng, cây cầu nối 2 thôn Trúc Hà - Thái Chấn Sơn thực sự là công trình giao thông huyết mạch của vùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội giữa 2 thôn, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Đại Hưng thêm khởi sắc.

Nghe tin Đại đức Thích Đồng Nhãn - Trụ trì chùa Hà Tân đã đứng ra vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xây cầu dân sinh bắc qua 2 thôn, dân làng Trúc Hà - Thái Chấn Sơn nói riêng, cả xã Đại Hưng đều rất đỗi vui mừng. Anh Nguyễn Văn Long - người dân Trúc Hà bày tỏ: “Nghe tin sắp có cây cầu, dân làng sống sát sông đồng tình mở đường, nhiều nhà chịu khó tháo dở tường rào, cổng ngõ để làm cầu, làm đường dẫn. Bà con mừng lắm, ai nấy hưởng ứng hết. Nhiều người còn chủ động phá bỏ hoa màu, đốn tre, chuối để tạo điều kiện cho dự án triển khai”.

dai-hung-6.jpg
Hơn 20ha đất sản xuất bên kia sông Côn là của dân làng Trúc Hà. Ảnh: TRIÊU NHAN

Đại đức Thích Đồng Nhãn chia sẻ, nhận thấy nỗi khó khăn của bà con, bản thân là người con của Trúc Hà đã đứng ra kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ vật liệu xây dựng để làm cầu. Có nhà hảo tâm còn hoan hỉ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho khâu đóng cọc, toàn bộ chi phí cho khâu thiết kế, tư vấn thiết kế, giám sát công trình, bản vẽ kỹ thuật, khoan địa chất...

"Chỉ khi có cầu, vùng đất này mới hồi sinh, mới phát triển được. Cũng vì lẽ đó, nhà chùa đã vận động xây cầu dân sinh và theo dự toán cây cầu này sẽ có tổng kinh phí dưới 10 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Cây cầu có thể chịu trọng tải tầm 10 tấn, ngang 4,5m, dài 100m. Sau khi hoàn thành xong cây cầu và 2 phần mố cầu 2 bên, Nhà nước hỗ trợ thêm phần đường dẫn từ mố cầu. Hồ sơ, phương án đã trình UBND xã Đại Hưng, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đại Lộc xem xét, hỗ trợ vì mục tiêu dân sinh" - Đại đức Thích Đồng Nhãn cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mơ ước cây cầu nối đôi bờ cách trở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO