Dư luận đang râm ran về chuyện huy động vàng trong dân.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) ước tính “mỏ” vàng này có trữ lượng đến 500 tấn, giá trị tương đương khoảng 20 tỷ USD. Không rõ căn cứ nào để VGTA tính ra con số ấy. Nhưng nếu dựa vào cách “tính rợ” trên cơ sở thói quen dùng vàng thì có khoảng 250 tấn đang nằm trong tay người dân. (Vì ước mỗi người qua 19 - 20 tuổi thường có 1 chỉ vàng phòng thân, chuẩn bị cho cưới hỏi). Cách tính nào cũng cho thấy đây là mỏ vàng lớn. Vì thế, VGTA đã gửi kiến nghị lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề xuất nghiên cứu giải pháp huy động vàng trong dân và thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Các chuyên gia và các nhà kinh doanh vàng cũng hiến kế việc phát hành chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng và hình thành sàn giao dịch vàng quốc gia để người dân có thể trao đổi, mua bán hoặc cầm cố các loại giấy tờ có giá được bảo đảm bằng vàng.
Vì sao câu chuyện huy động vàng trong dân “nóng” lên? Có lẽ vì nguồn vốn đầu tư eo hẹp và nguồn vốn vay nước ngoài để đầu tư cũng khó (như vốn ODA) Bởi theo Bộ Tài chính, đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, và không xa nữa phải tiến tới vay theo thị trường với lãi suất cao. Như thế, khi huy động được vàng thì sẽ thế chấp vay vốn. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ vàng mỗi năm của Việt Nam khoảng vài chục tấn để chế tác vàng trang sức, mỹ nghệ, nên phải nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, nếu huy động được vàng của dân trong nội địa sẽ bớt nhập khẩu và tiết kiệm được ngoại tệ.
Xem ra, những viện dẫn lý do đề nghị huy động vàng trong dân có những cơ sở. Dĩ nhiên, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có ý kiến thì những đề nghị từ phía VGTA mới thực thi được hay không. Song, đứng ở phía người dân, chuyện huy động vàng không dễ chút nào. Đã thành thói quen là người dân quê tôi cầm chỉ vàng cho con cháu trong cưới hỏi thì chỉ cần lấy ra trao liền tay, hoặc việc cần gấp bán ngay ở đâu cũng được. Do đó, nếu thủ tục giấy má thanh toán rườm rà thì ở làng quê rất ít người thích.
Quan trọng hơn, người dân cầm chứng chỉ, hay trái phiếu (tức cái mảnh giấy) không dễ an lòng ngay như cầm vàng. Đó là tâm lý có thật, cầm vàng còn sợ vàng rơi huống chi cầm giấy. Người dân chỉ có thể hưởng ứng chủ trương huy động vàng khi họ có niềm tin vào sự ổn định của thị trường (chứ không như trước đây vàng “nhảy múa” lên giá tới hơn 40 triệu/lượng rồi bây giờ tụt còn khoảng gần 34 triệu). Bên cạnh xác lập niềm tin, việc huy động có thành công hay không thì phải cho người ta thấy cái lợi hơn khi gửi cho nhà nước, ngân hàng thay vì cất ở nhà mình. Lợi hơn thì lãi suất phải như thế nào và đảm bảo an toàn ra sao. Ngoài ra, còn phải tính tới các yếu tố mang tính kỹ thuật khác để đảm bảo thuận tiện cho người dân giao dịch.
Thấy mỏ vàng 500 tấn đem cất giữ mà không sinh lãi nên ai cũng... thèm muốn huy động, nhưng liệu có làm được không thì không dễ. Như chiếc “vòng cầu hôn” bằng vàng có lung linh đến mấy nhưng người yêu phải tin, phải nhận, mới thành chuyện gắn bó cuộc đời.
ĐĂNG QUANG