"Mổ xẻ" kinh tế biển

HỮU PHÚC 18/11/2013 09:56

Năm năm (2009 - 2013) qua, Quảng Nam tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng vốn có, song thực tế tồn tại những bất cập về quy hoạch, dở dang kết cấu hạ tầng, đời sống người dân ven biển còn khó khăn…

Đầu tư lớn

Quảng Nam có ngư trường rộng hơn 40.000km2, thềm lục địa kéo dài 93km… là tài nguyên quý giá để khai thác kinh tế biển. Thời gian qua, ngành thủy sản và các địa phương ven biển đều quy hoạch, xem kinh tế biển là ngành mũi nhọn. Vì thế, những chương trình, dự án đầu tư vào vùng ven biển đều hướng đến đa mục tiêu, vừa tạo đột phá chiến lược kết cấu hạ tầng vừa phát triển kinh tế. Nhiều dự án chiến lược hạ tầng giao thông, kể đến như công trình cầu Cửa Đại, tuyến đường ven biển nối Hội An – Chu Lai (Núi Thành), nạo vét luồng ở cảng Kỳ Hà công suất tàu 20 nghìn tấn có thể ra vào và từ cảng Kỳ Hà vào Tam Hiệp thông tàu hơn 10 nghìn tấn. Dự án tổng thể sắp xếp dân cư, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai vùng ven biển với mức đầu tư 3.679 tỷ đồng gồm các hạng mục nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang; công trình xây dựng 3 tuyến đường cứu hộ, cứu nạn triển khai tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành và Tam Kỳ. Chưa kể các tuyến đường bộ phục vụ phát triển du lịch ven biển, đường ngang nối quốc lộ 1 với vùng biển… Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn xây mới, đưa vào sử dụng âu thuyền, cảng cá An Hòa, kè Cửa Lở Tam Hải (Núi Thành), âu thuyền Hồng Triều và An Lương (xã Duy Vinh, Duy Xuyên), kè Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). Tận dụng lợi thế cạnh tranh, hơn 30 dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi đã được đầu tư dọc ven biển Hội An – Điện Bàn.

Trong chiến lược biển đến năm 2020, Quảng Nam luôn trọng nghề khai thác và hậu cần chế biến, tiêu thụ sản phẩm. TRONG ẢNH: Một chợ cá di động tại bờ biển xã Tam Tiến (Núi Thành).
Trong chiến lược biển đến năm 2020, Quảng Nam luôn trọng nghề khai thác và hậu cần chế biến, tiêu thụ sản phẩm. TRONG ẢNH: Một chợ cá di động tại bờ biển xã Tam Tiến (Núi Thành).

Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Tri, tổng vốn đầu tư các chương trình, dự án ODA, vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm qua cho vùng ven biển 31.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước 6.000 tỷ đồng, vốn ODA 2.500 tỷ đồng, còn lại vốn đầu tư toàn xã hội. “Nguồn lực cho kết cấu hạ tầng ở ven biển rất lớn. Sắp đến, tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế và Trung ương để triển khai mạnh các dự án biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai” – ông Tri cho biết. Còn ông Võ Văn Năm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỏ ra lạc quan khi khẳng định giá trị sản xuất thủy hải sản luôn tăng bình quân năm hơn 6%. Hiện cả tỉnh có 4.155 tàu cá với tổng công suất 300.712CV; số lượng tàu đánh bắt xa bờ giai đoạn 2009-2013 mỗi năm tăng bình quân 22 chiếc, trong khi giai đoạn 2000 - 2008, mỗi năm chỉ tăng 8 chiếc. Chiến lược kinh tế biển đã cụ thể hóa bằng những chủ trương, chính sách hỗ trợ cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nâng cao đời sống cho cư dân ven biển; chính sách đảm bảo an ninh, quốc phòng biển đảo.

Để bám biển dài ngày, ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu thuyền lớn. Ảnh: H.P
Để bám biển dài ngày, ngư dân mạnh dạn đầu tư tàu thuyền lớn. Ảnh: H.P

Bất cập quy hoạch

Bí thư Thành ủy Hội An – ông Nguyễn Sự thì có “cái nhìn khác” về chiến lược biển. Theo ông, cần phải xem xét, đánh giá kinh tế biển ở nội hàm rộng. Chiến lược biển đòi hỏi phải quan tâm đến văn hóa biển, sắp xếp dân cư ven biển phù hợp, chuyển dịch cơ cấu lao động; điều cốt yếu là nâng trình độ dân trí, hưởng lợi dịch vụ y tế, vui chơi của dân vùng biển. “Quy hoạch vùng đông có bám sâu vào quy hoạch biển không? Tôi có cảm giác người dân vùng biển ở Cù Lao Chàm ngày càng muốn vào đất liền vì cuộc sống, dịch vụ tối thiểu chưa đảm bảo. Chúng ta đã phá hết rừng phòng hộ ven biển để đổi lấy các tòa nhà, khách sạn, resort cao cấp và hậu quả nhãn tiền đã thấy rõ. Do vậy, cần tránh sự trả giá đắt này ở các địa phương phía nam” – ông Sự băn khoăn. Nhìn nhận về bất cập quy hoạch vùng, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - ông Bùi Quốc Đinh thẳng thắn, sở dĩ có quy hoạch “treo” là còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Vậy nên, phải quy hoạch dứt khoát, rõ ràng, không chụp giựt. Thực tế, quy hoạch hạ tầng du lịch về phía nam chưa được quan tâm đúng mức nên nhà đầu tư không mấy mặn mà đến đây làm ăn.

Chính quyền các huyện Thăng Bình, Núi Thành thừa nhận không thể kiểm soát, quản lý nổi tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng dọc các vùng cát ven biển. Trong khi đó, những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư mạnh cho ngư dân đóng mới tàu thuyền công suất lớn, để tăng sản lượng đánh bắt mỗi năm, nhưng đem so với các tỉnh, thành phố lân cận, xem ra lĩnh vực này còn quá tụt hậu. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, số lượng tàu công suất lớn (90CV trở lên) của Quảng Nam chỉ có 175/3.880 chiếc (chiếm 4,5%), trong khi đó số tàu công suất lớn ở Quảng Ngãi 2.541/4.423 chiếc (chiếm 57,4%) và Đà Nẵng 223/793 chiếc (chiếm hơn 28%). Hệ lụy là rất nhiều lao động, ngư dân vùng biển của tỉnh phải đi làm thuê cho các chủ tàu khác ngoài địa phương. Lý giải nguyên nhân kinh tế biển phát triển chậm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho ngành thủy sản còn yếu và thiếu; trình độ dân trí vùng ven biển, hải đảo thấp trong khi ngân sách đầu tư hằng năm phần lớn phụ thuộc vào Trung ương nên chưa tạo đột phá trong phát triển.

Giải pháp chiến lược

Tại hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển đến năm 2020 do Tỉnh ủy tổ chức vào 15.11, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ lưu ý, các cấp ủy đảng, chính quyền cần rà soát, bổ sung quy hoạch để phát triển vùng đông trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên tập trung thúc đẩy xây dựng hạ tầng ven biển; xác định rõ quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch ven biển. Việc sắp xếp dân cư ven biển trước hết phải giải quyết dứt điểm những dự án tái định cư còn dở dang. Ở khu vực phía nam, xem xét cẩn trọng từng dự án đầu tư dọc ven biển, có kế hoạch trồng rừng phòng hộ phục vụ mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Xác định ưu tiên phát triển kinh tế đặc thù vùng là một trong những giải pháp trong chiến lược biển đến năm 2020. Theo đó, vùng phía bắc như Hội An, Điện Bàn, đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc kết hợp với TP.Đà Nẵng tạo thành vệt phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Khai thác tổng hợp biển như tăng cường đánh bắt khơi và xa bờ, khuyến khích đầu tư các đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn; trồng rừng phòng hộ ven biển. Khu vực phía nam thì đầu tư đồng bộ từ đánh bắt đến hậu cần chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành làng chài Tam Thanh (Tam Kỳ). Đẩy mạnh phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai theo quy hoạch đã duyệt. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, sẽ điều chỉnh giảm diện tích quản lý của khu kinh tế để dễ quản lý quy hoạch, đầu tư có trọng điểm; đồng thời kêu gọi, xúc tiến đầu tư mạnh vào loại hình du lịch, dịch vụ ở các huyện Núi Thành, Tam Kỳ. Về lộ trình đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư Trần Văn Tri nói, tranh thủ nguồn vốn ODA sẽ ưu tiên đẩy nhanh hạ tầng ven biển chiến lược, khẩn trương bố trí vốn cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu; các khu neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền.

Các địa phương ven biển kiến nghị, muốn giải quyết tốt vấn đề an dân và an sinh, phải sắp xếp dân cư ven biển phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Mổ xẻ" kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO