(VHQN) - Một khối lượng lớn mộc bản đang lưu giữ tại Quảng Nam cho thấy “kho báu” về di sản tư liệu phong phú của địa phương...
Trong “kho báu” mộc bản, tư liệu mộc bản Phật giáo của Quảng Nam chiếm đa số và đang được lưu trữ tại các ngôi chùa được xem là kho tàng di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật cũng như quá trình hình thành và phát triển Phật giáo tại Quảng Nam.
Di sản vô giá
Một công trình của nhóm nghiên cứu Lê Thọ Quốc - Nguyễn Phước Bảo Đàn (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) trong thời gian từ 2018 - 2020 đã tiếp cận và khai thác hệ thống mộc bản Phật giáo xứ Quảng ở nhiều khía cạnh.
Theo các nhà nghiên cứu này, mộc bản Phật giáo Quảng Nam được khắc chủ yếu vào khoảng đầu thế kỷ 17 - 19 dưới thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Tại các tự viện lưu trữ mộc bản, phần lớn ván khắc những bộ kinh quan trọng đều có niên đại rơi vào thời các chúa Nguyễn với các niên hiệu Chính Hòa, Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng...
“Hệ thống mộc bản Phật giáo Quảng Nam, qua khảo sát bước đầu cho thấy nhiều vấn đề cần thiết được khảo cứu, nhất là về giá trị văn hóa mà từng bộ ván khắc truyền tải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chứa đựng thông tin tư liệu quý giá, góp phần quan trọng trong nghiên cứu về lịch sử, cũng như diện mạo kinh tế, văn hóa - xã hội Đàng Trong từ thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 20” - nhóm nghiên cứu viết.
Tại 9 địa điểm lưu trữ mộc bản ở các chùa của Hội An và Tam Kỳ, các nhà nghiên cứu nhận định, chủng loại ván khắc mộc bản Phật giáo Quảng Nam mang đặc trưng riêng khi đối sánh với các vùng miền khác, khi phần lớn ván khắc thuộc loại trùng khắc, trùng tuyên hoặc trùng san.
Chính điều này cho thấy các bộ ván thường dựa theo nguyên mẫu ván cũ hoặc kinh sách đã được in từ trước để trùng san. Đặc biệt, một kho báu kinh Phật bằng chữ Hán và chữ Phạn, mạch nguồn phát nguyên dòng Thiền Lâm Tế - Chúc Thánh từ miền Trung vào đến miền Nam từ thế kỷ 17 - 20, hiện còn lưu giữ tại tổ đình chùa Vạn Đức, Phước Lâm và một số ngôi chùa cổ tại Hội An.
Đại đức Thích Thắng Thiện - Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho rằng, hệ thống mộc bản lưu trữ trong các ngôi chùa xứ Quảng là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Hán - Nôm qua các triều đại Lê, Nguyễn…
“Di sản mộc bản Phật giáo xứ Quảng hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc về tư tưởng, giáo lý của các tông phái Tịnh độ tông, Mật tông, Thiền tông, mà đại diện là dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh và Lâm Tế Liễu Quán. Các bộ kinh, sách, luật, luận nhà Phật và trước tác của các cao tăng đã sáng lập, chấn hưng, phát triển các dòng thiền phái Phật giáo trong nhiều thế kỷ, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển văn hóa, xã hội của một giai đoạn lịch sử dân tộc” - Đại đức Thích Thắng Thiện chia sẻ.
Nỗ lực gìn giữ
Nhận thức tầm quan trọng của nguồn tư liệu di sản mộc bản, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An đã triển khai công tác sưu tầm, sao chụp, nghiên cứu. Cùng với 20 mộc bản đang lưu giữ tại Trung tâm này, hơn 180 mộc bản còn lại được lưu giữ, bảo quản tại các ngôi chùa ở Hội An như chùa Vạn Đức, Chúc Thánh, Phước Lâm.
Theo kết quả khảo sát, thống kê, hầu hết mộc bản được bảo quản tương đối nguyên vẹn, một số mộc bản bị ẩm mốc, mối mọt do chịu tác động của nhiều yếu tố.
Trên cơ sở thống kê, nhận diện, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã thực hiện hơn 800 bản rập kinh từ các mộc bản này, qua đó tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ lâu dài và nghiên cứu, đồng thời Trung tâm đã phối hợp với các chùa có nhiều biện pháp để bảo quản nguồn tư liệu quý hiếm ấy.
Các mộc bản được thống kê, lập danh mục, nghiên cứu bước đầu để nhận diện giá trị lịch sử - văn hóa. Bên cạnh công tác sưu tầm, thống kê, bảo quản, việc phát huy giá trị của các mộc bản này cũng được quan tâm, nghiên cứu.
Đại diện Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho rằng, việc gìn giữ và bảo quản số lượng mộc bản còn nguyên vẹn đến hôm nay, có vai trò quan trọng của các sư trụ trì. Họ thường xuyên kiểm tra, vệ sinh mộc bản để kịp thời phòng chống ẩm mốc, mối mọt, côn trùng xâm hại.
Đặc biệt, các chùa đã trang bị các tủ để đựng mộc bản, để nơi thoáng mát, có sự lưu thông không khí giữa bên trong và bên ngoài. Việc thống kê, nhận diện, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy loại tư liệu đặc biệt này là công việc hết sức quan trọng, có sự phối hợp, tư vấn của các nhà chuyên môn, nghiên cứu, cũng như sự phối hợp, quan tâm của các cơ quan, đơn vị với nhà chùa để bảo tồn và phát huy đạt hiệu quả, góp phần nhận diện, làm sáng tỏ hơn nhiều khía cạnh về lịch sử - văn hóa Hội An.
Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Nguyễn Đình Hưng (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) cho rằng, di sản mộc bản với những kỹ nghệ truyền thống, cần được ghi chép, ghi hình cẩn thận để thế hệ sau muốn tìm hiểu, nghiên cứu, phục dựng có thể dựa vào đó.
Các nghiên cứu và tư liệu nên được công bố cho những người có nhu cầu nghiên cứu tiếp cận. Mộc bản cổ là loại hình di sản đặc biệt, chứa đựng cả giá trị vật thể và phi vật thể. Nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của mộc bản để có kế hoạch tổng kiểm kê cũng như nghiên cứu, quảng bá giá trị di sản này là điều rất cần.