|
(QNO) - Với những chiến công vang dội trên “Vành đai diệt Mỹ”, đỉnh cao là chiến thắng Núi Thành, ngày 17.9.1967, Quảng Nam vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
Cờ “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” được trưng bày tại Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng. Ảnh: P.T.H |
Quân Mỹ vào
Cuối năm 1962, Khu ủy 5 quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 tỉnh: tỉnh Quảng Nam (có địa giới từ huyện Quế Sơn đến tỉnh Quảng Ngãi; ngày nay gồm đơn vị: Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My và Núi Thành) và tỉnh Quảng Đà (có địa giới từ huyện Duy Xuyên, Hội An đến giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế; ngày nay gồm các đơn vị: TP.Đà Nẵng, Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn). Đến tháng 9.1964, Khu ủy 5 quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Đà, trực thuộc khu. Đến tháng 11.1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và TP.Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đến tháng 10.1975, tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến tháng 1.1997, tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. |
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bắt đầu từ năm 1954. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm công khai phá hoại hiệp định, thực hiện chiến tranh một phía, tiến hành “tố cộng”, “diệt cộng” đánh phá phong trào cách mạng của nhân dân ta rất khốc liệt, chúng tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” hòng đè bẹp và tiêu diệt cách mạng miền Nam; nhưng nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân Quảng Nam nói riêng đã đấu tranh chống trả quyết liệt. Đến năm 1965, trước thảm bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ ồ ạt đưa quân đội trực tiếp vào miền Nam Việt Nam để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chế độ ngụy quyền Sài Sòn, mở đầu thời kỳ “Chiến tranh cục bộ”, với cuồng vọng là bằng sức mạnh siêu cường tập trung đánh bật lực lượng kháng chiến của nhân dân miền Nam lên núi và về bên kia giới tuyến 17. Đây chính là hành động phiêu lưu quân sự, là sự bị động về chiến lược, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Việc Mỹ gấp rút đưa lực lượng lớn của quân viễn chinh Mỹ vào chiến trường Nam Việt Nam là cấp cứu không được chuẩn bị, là hành động bị động về chiến lược hòng cứu vãn tính thế ngày càng nguy khốn của tay sai”.
Ngày 8.2.1965, Mỹ đưa một tiểu đoàn tên lửa Hawk của thủy quân lục chiến Mỹ vào Đà Nẵng. Một tháng sau, ngày 8.3.1965, Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc - Xuân Thiều, xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), đánh dấu cho sự có mặt tham chiến chính thức của quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Hai tháng sau, ngày 7.5.1965, Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào vùng cửa biển An Hòa chiếm khu vực Chu Lai (thuộc các xã Kỳ Liên, Kỳ Hà, huyện Nam Tam Kỳ; nay là các xã Tam Nghĩa, Tam Quang, huyện Núi Thành).
Ngay sau khi đổ quân, các đơn vị Mỹ liên tục tổ chức các cuộc hành quân đánh chiếm các vùng phụ cận của huyện Hòa Vang và huyện Nam Tam Kỳ; hình thành hệ thống cứ điểm từ ranh núi xuống biển, tạo ra vành đai quân sự bảo vệ khu liên hợp quân sự Đà Nẵng và căn cứ Chu Lai.
Quyết tâm đánh Mỹ
Do tình hình Mỹ vào đông, liên tục càn quét và chốt điểm; mức độ ác liệt của chiến tranh tăng lên đã làm cho tâm lý ngại đánh, không dám đánh Mỹ xuất hiện; một bộ phận quần chúng thiếu tin tưởng vào khả năng đấu tranh chính trị với quân Mỹ vì cho rằng ngôn ngữ bất đồng… Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu của Đảng bộ Quảng Nam và Quảng Đà lúc bấy giờ là làm cho mọi người có tinh thần dám đánh Mỹ rồi biết cách đánh Mỹ, kiên trì phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”; giải đáp kịp thời các băn khoăn, lo lắng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khá phổ biến lúc này là: quân Mỹ vào, ngôn ngữ bất đồng, ta có thể tiến hành đấu tranh chính trị và binh vận được không? Có thể giữ vững vùng ta đang làm chủ được không? Cán bộ, đảng viên và du kích đánh Mỹ bằng cách nào? Làm cách nào để ngăn chặn Mỹ từ căn cứ Đà Nẵng, căn cứ Chu Lai nống ra càn quét và chốt điểm?...
Để chủ động đối đầu với quân viễn chinh Mỹ, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5 phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tháng 3.1965, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã họp mở rộng, nhận định đánh giá toàn bộ tình hình và đi đến kết luận: “Việc Mỹ ồ ạt đưa quân vào không ngoài dự kiến của Trung ương, do đó ta vẫn phải chuẩn bị mọi mặt để giành thắng lợi quyết định trong chiến tranh đặc biệt”. Tháng 5.1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hạ quyết tâm: “Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh, chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào cũng đánh, đông bao nhiêu cũng đánh. Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ trước tiên bằng “2 chân, 3 mũi giáp công” để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền Nam và góp phần đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”.
Vành đai diệt Mỹ
Thực hiện quyết tâm đó, cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Đà (đặc biệt là huyện Hòa Vang và Điện Bàn), các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (đặc biệt là huyện Nam Tam Kỳ và quanh vùng đệm Chu Lai), ra sức xây dựng, củng cố thế trận nhân dân địa phương, xây dựng “Vành đai diệt Mỹ” bao quanh các căn cứ quân sự Mỹ, khẩn trương chuẩn bị tổ chức đánh những trận phủ đầu quân Mỹ. Nhanh chóng xây dựng, phát triển lực lượng ba thứ quân. Phát huy phong trào thi đua “ba bám” (bám đất, bám dân, bám địch), quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; phong trào “Nhà nhà đón thư Đảng, bàn việc đánh Mỹ, cứu nhà, cứu nước” dấy lên khắp mọi nơi trong toàn tỉnh.
Từ trong thực tế đánh Mỹ, trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà đã hình thành sớm nhất những “Vành đai diệt Mỹ” ở Hòa Vang và Chu Lai; tạo cơ sở thực tiễn để khẳng định khả năng ta có thể đánh Mỹ bằng “2 chân, 3 mũi giáp công”. Như vậy, Quảng Nam và Quảng Đà trở thành nơi đầu sóng ngọn gió, trực tiếp đối đầu với quân viễn chinh Mỹ.
Ở Quảng Nam, “Vành đai diệt Mỹ” ở Chu Lai đã phát huy tác dụng. Lực lượng chiến đấu trên vành đai này gồm đại đội độc lập của tỉnh, bộ đội và du kích huyện Nam Tam Kỳ. Các huyện Bắc Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn mỗi huyện cử một đội từ 12 đến 13 tay súng đến xã Kỳ Sanh (nay là xã Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) để tham gia chiến đấu, học tập kinh nghiệm đánh Mỹ.
Đỉnh cao Núi Thành
Ngày 17.5.1965, một đại đội lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai triển khai lên phía tây quốc lộ 1, chốt điểm cao Núi Thành để bảo vệ phía tây khu căn cứ Chu Lai. Chưa đầy 10 ngày sau, vào đêm 25 rạng sáng ngày 26.5.1965, đại đội lính Mỹ này đã bị Đại đội 2 của Tiểu đoàn 70 tỉnh Quảng Nam, được tăng cường 12 chiến sĩ của Đại đội Đặc công 16, tiêu diệt sau 30 phút chiến đấu. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” phấp phới bay trên đỉnh Núi Thành.
Tượng đài tại sân Nhà truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ảnh: P.T.H |
Chiến thắng Núi Thành (ngày 26.5.1965) tuy là trận đánh nhỏ, số lượng quân Mỹ bị tiêu diệt không nhiều; song, đây là đòn choáng váng không những đối với Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Chu Lai mà còn là nỗi sợ hãi của sĩ quan, binh sĩ Mỹ tham chiến trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Núi Thành thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, sự ngoan cường, dũng cảm của lực lượng vũ trang ta dám đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ngay từ khi chúng đặt chân lên đất nước ta, đồng thời nó còn thể hiện sự đúng đắn về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự của Đảng ta, sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Tỉnh ủy Quảng Nam. Chiến thắng Núi Thành đã trả lời câu hỏi cho nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế “Liệu Việt Nam có đánh được Mỹ không?” và ta đã đánh Mỹ, thắng Mỹ ngay từ trận đầu; mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên chiến trường miền Nam. Một đại đội bộ đội địa phương lần đầu tiên đánh tiêu diệt gọn một đại đội thủy quân lục chiến Mỹ; trở thành ngọn cờ cổ vũ động viên các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam anh dũng tiến lên, đạp bằng mọi gian khổ hiểm nguy, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Với những chiến công vang dội trên “Vành đai diệt Mỹ” của quân và dân ta trên khắp chiến trường Quảng Nam, đỉnh cao là chiến thắng Núi Thành, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, ngày 17.9.1967, với sự tham dự của đại biểu các tỉnh, thành và Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 6, 7, 8, 9 và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương tỉnh Quảng Nam cùng với tỉnh Bến Tre và tỉnh Long An các danh hiệu: “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”; “Bến Tre anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy” và “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” vì đã có những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ. |
Với chiến thắng Núi Thành, Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 được Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quân công và lá cờ mang dòng chữ “Núi Thành oanh liệt, quyết lập chiến công”. Chiến thắng Núi Thành có ý nghĩa lịch sử quan trọng, là mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, đã được Đảng và Nhà nước ta xây dựng “Tượng đài Chiến thắng Núi Thành” ngay nơi đã xảy ra trận đánh lịch sử này.
Từ chiến thắng Núi Thành, phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” dâng cao khắp chiến trường miền Nam. Phong trào đấu tranh trực diện của nhân dân ngày càng lên cao. Lực lượng vũ trang Quảng Nam và Quảng Đà liên tiếp lập nhiều chiến công oanh liệt, diệt gọn nhiều đơn vị Mỹ, như: trận Gò Hà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) ngày 30.10.1965 do Tiểu đoàn 1 bộ binh diệt đại đội Mỹ trong công sự; trận Lộc Vĩnh (nay là xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) ngày 2.4.1966, Đại đội 1 bộ đội địa phương huyện Đại Lộc diệt một đại đội Mỹ; trận Xuyên Thanh (nay là xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) ngày 26.1.1967, do Tiểu đoàn Bộ binh phục kích diệt Tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến Mỹ… Từ kinh nghiệm đánh Mỹ và thắng Mỹ của bộ đội địa phương và lực lượng du kích tỉnh Quảng Nam, Quân Giải phóng Khu 5 đã đánh vỗ mặt Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ với hơn 500 quân, đập tan “chiến thuật tìm diệt”, làm nên chiến thắng Vạn Tường - tỉnh Quảng Ngãi, góp phần cùng với quân và dân cả miền Nam làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
PHAN THANH HẬU
(Nguồn: Tổng hợp từ Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930-1975), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2006; Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến, tập 1, NXB Quân đội nhân dân; Một số trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng trong chiến tranh giải phóng (1945-1975) của Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng và các tư liệu chính sử khác).