(QNO) - Cách đây tròn 89 năm, ngày 18.7.1933, Chi bộ Phú Xuân Hạ được thành lập, tiền thân của Đảng bộ xã Tam Quang ngày nay. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ và Nhân dân Tam Quang, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của xã nhà.
Những mốc son chói lọi
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Tam Quang luôn phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo, nhân dân Tam Quang luôn một lòng theo Đảng, tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Phủ ủy Tam Kỳ, phong trào cách mạng tại xã sớm hòa nhịp cùng với phong trào cách mạng toàn Phủ dẫn đến việc ra đời Chi bộ ghép Phú Xuân Hạ ngày 18.7.1933, mật danh H, do đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - người cộng sản kiên trung, sau này là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm bí thư. Sự kiện thành lập Chi bộ H, Phú Xuân Hạ là mốc son lịch sử, đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới trong quá trình đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân xã nhà và đây là Chi bộ đầu tiên được thành lập trên mãnh đất Tam Quang.
Trong những năm 1935-1945, tuy nhiều lần bị kẻ thù đàn áp, khủng bố, tổ chức Đảng nhiều lần bị bể vỡ, hàng trăm đảng viên, cơ sở cách mạng bị địch bắt tù đày nhưng các đồng chí đảng viên, cơ sở vẫn một lòng kiên trung, giữ vững ý chí cách mạng. Xã Tam Quang trở thành địa bàn quan trọng, nơi đứng chân, đầu mối liên lạc của nhiều cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Quang Nam như đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim, Trần Văn Quế... và cũng là chiếc nôi thành lập Đội du kích Vũ Hùng - tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam ngày nay. Đây là điều kiện thuận lợi để nhân dân Tam Quang sớm được tiếp thu các chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng, kịp thời hưởng ứng các phong trào cách mạng do Phủ ủy Tam Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam lãnh đạo.
Trong mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, nhân dân xã Tam Quang đã nhất tề đứng lên, với mọi thứ vũ khí tự trang bị như gậy gộc, giáo mác, cào cào... tiến hành bao vây, đánh chiếm đồn Thương chánh Hiệp Hòa, vây bắt bọn Việt gian, góp phần cùng toàn phủ Tam Kỳ lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng của Nhân dân.
Từ sau năm 1949, cùng với nhiệm vụ chống địch, công tác phát triển sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân được chi bộ xã quan tâm chỉ đạo. Các phong trào ủng hộ kháng chiến được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, là một trong những địa phương đi đầu trong huyện về các phong trào ủng hộ kháng chiến.
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địch đổi tên xã Xuân Quang thành xã Kỳ Hà. Với vị trí chiến lược quan trọng, sau khi đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam, Kỳ Hà trở thành địa điểm đóng quân lớn của địch, ngày đêm tiến hành càn quét, cày ủi ruộng vườn, rừng núi, đồi gò, mồ mả biến dân nơi đây thành hàng rào “mềm” để bảo vệ các trận địa pháo, kho tàn của lính Mỹ ở núi Phú Xuân, căn cứ liên hợp quân sự Chu Lai. Sự xuất hiện của quân viễn chinh Mỹ trở thành một nỗi lo, thách thức đối với ý chí cách mạng, tinh thần chiến đấu của quân và nhân dân miền Nam nói chung, xã Kỳ Hà nói riêng.
Song, chỉ hơn nửa tháng sau, với chiến thắng trận đánh Núi Thành (26.5.1965) vang dội, cùng với những cuộc đấu tranh trực diện của nhân dân chống Mỹ thắng lợi, ta đã tìm được câu trả lời thích đáng cho câu hỏi “có đánh được Mỹ không” và khẳng định tinh thần “quyết đánh Mỹ và thắng giặc Mỹ xâm lược”, cũng từ đây, trên chiến trường Quảng Nam và xã Kỳ Hà xuất hiện khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”.
Trong những năm 1965-1968, mặc dù chính quyền Mỹ - ngụy với bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ác ôn và hệ thống đồn bốt dày đặc luôn sẵn sàng đàn áp phong trào cách mạng ở địa phương, Đội công tác Kỳ Hà vẫn kiên cường trụ bám, từng bước xây dựng cơ sở, phát động nhân dân đấu tranh, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.
Từ năm 1969 trở đi, Kỳ Hà trở thành trọng điểm kèm kẹp của Mỹ - ngụy, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề, nhiều đồng chí trong đội công tác hy sinh, phong trào cách mạng ở địa phương tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần yêu nước nồng nàn cùng với sự lãnh đạo kịp thời của Huyện ủy, sự hỗ trợ của các địa phương bạn, cơ sở cách mạng vẫn giữ được hoạt động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch với những hình thức phù hợp đã góp phần hạn chế được những tổn thất, từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục khôi phục phong trào.
Trước khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27.1.1973), đầu năm 1972, Chi bộ, đội công tác xã Kỳ Hà được phục hồi và củng cố, lãnh đạo phát triển mạnh cơ sở cách mạng trong vùng địch, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị, binh địch vận, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến lên đánh bại kẻ thù, giải phóng quê hương. Sáng ngày 25.3.1975, xã Kỳ Hà được hoàn toàn giải phóng, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn Miền nam thống nhất đất nước và ngày 30.4.1975, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tam Quang quyết một lòng kiên trung bám đất giữ làng, theo Đảng làm cách mạng đấu tranh chống giặc cho đến ngày thống nhất non sông.
Mảnh đất này có 48 liệt sĩ, 111 thương, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến, người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày.
Ghi nhận sự cống hiến to lớn của Đảng bộ và nhân dân xã nhà trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã phong tặng, truy tặng 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 25 lão thành cách mạng 1 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đổi thay trên vùng đất cách mạng
Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân còn rất thiếu thốn khó khăn. Điện, đường, trường, trạm gần như không có gì, kinh tế của xã chủ yếu là đánh bắt khai thác gần bờ, một bộ phận nhân dân thì khai thác phế liệu trong phi trường, một số thì sản xuất nông nghiệp đời sống hết sức khó khăn tỷ lệ hộ nghèo cao, hoạt động văn hóa thể thao, giáo dục đào tào, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hệ thống an sinh xã hội còn nhiều khó khăn bất cập.
Sau 47 năm giải phóng quê hương, 36 năm đổi mới đất nước, cùng với sự phát triển chung của của huyện nhà, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tam Quang quyết tâm khơi dậy truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương “Trung dũng kiên cường…”, động viên sức người, sức của, quyết tâm xây dựng xã nhà phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và thực hiện tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
“Đến nay toàn xã có 8 thôn, 14 chi bộ, 242 đảng viên; kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhất là kinh tế biển. Hiện nay trên địa bàn toàn xã có 360 phương tiện hoạt động đánh bắt khai thác trên biển trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lến 179 chiết chiếm 54,72%, từ 20-89CV có 43 chiếc chiếm 11,94%, dưới 20CV có 120 chiếc chiếm 33,34%, tổng công suất đạt 132.000CV, sản lượng đánh bắc khai thát hằng năm đạt rất cao, chiếm tỷ trọng lớn trên địa bà toàn huyện, từ đó đời sống nhân dần phát triển rõ rệt, an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị từ xã đến thôn luôn được cũng cố, xã được UBND tỉnh công nhận đạt xã Nông thôn mới năm 2019”. (Đồng chí Phan Vĩnh Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tam Quang)
Sáng 18.7.2022, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Quang long trọng tổ chức kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên trên đất Tam Quang – Chi bộ Phú Xuân Hạ (18.7.1933 - 18.7.2022), tiền thân của Đảng bộ Tam Quang ngày nay.
Dịp này, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tam Quang đã ra mắt tập sách Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tam Quang 1930-1975.