Sau khi thành lập, Chi bộ An Hòa và Phủ ủy Tam Kỳ nhanh chóng trở thành hạt nhân trực tiếp lãnh đạo phòng trào đấu tranh, có ảnh hưởng sâu rộng ở địa phương và toàn phủ Tam Kỳ, tạo tiền đề đưa phong trào cách mạng đi lên với sự hưởng ứng, tham gia hoạt động, đấu tranh bất khuất của các tầng lớp nhân dân. Mốc son lịch sử đã được trang trọng khắc ghi.
>> Mốc son lịch sử - Bài 1: "Chiếc nôi" của phong trào cách mạng
1. Từ bia di tích nơi thành lập Chi bộ An Hòa, men theo con đường bê tông nhỏ hẹp uốn lượn qua những ruộng khoai, chúng tôi đến nhà lão thành cách mạng Phạm Thế Vinh (thôn Bình Trung, xã Tam Hải, Núi Thành).
Ông Vinh năm nay đã 98 tuổi, nhưng theo lời ông, tuổi thật phải là 102, dù vậy vẫn rất minh mẫn. Ông nhớ lại, mình tham gia hoạt động cách mạng năm 16 tuổi (năm 1941), làm liên lạc trong tổ chức “Cứu tế đỏ”. Lúc đó, tại An Hòa, chi bộ đảng đã được thành lập 9 năm, là tổ chức nòng cốt của phong trào cách mạng địa phương và là hạt nhân của Phủ ủy Tam Kỳ.
Ông Vinh kể mình chủ yếu liên lạc với tổ chức ở các xã Tam Hiệp, Tam Xuân, khi các địa phương này sát nhập vào An Hòa thì thành lập tổ chức bạo động, tham gia khởi nghĩa 1945.
Sau đó được tổ chức phân công, ông tham gia hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau, nhiều lúc suýt chết khi địch vây ráp vì bị lộ, nhưng may mắn vượt qua ải tử. Chỉ tay về phía những luống khoai đang tốt tươi trước nhà, ông nói nhớ nhất là một lần nấp dưới đám sắn của một nhà dân khi về cơ sở vận động thanh niên tham gia đấu tranh nhưng bị phục kích.
Ông Vinh xúc động nói: “Lúc đó tôi là Phó ban Tài mậu của Huyện ủy Tam Kỳ, cùng với một cán bộ tuyên giáo về cơ sở vận động, bị địch bắn, đồng chí tuyên giáo hy sinh, còn tôi thì bị thương nặng phải chạy nấp vào đám khoai, máu chảy không cầm được, nằm gần một ngày trời tưởng chết rồi nhưng được cơ sở ứng cứu”.
Ông Vinh là một trong những người con kiên trung của đất Tam Hải trong phong trào bám đất giữ làng, hoạt động cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng quê hương.
Theo lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tam Hải, quá trình xây dựng tổ chức đảng và thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc đã xuất hiện biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên ưu tú mà tiêu biểu là các đồng chí Trần Ngọc Giới, Lương Hợp Phố, Đào Thuần Thăng, Phan Truy, Lê Trọng Nghĩa... và những bà mẹ sẵn sàng chịu đựng gian khổ, bất chấp hiểm nguy đào hầm nuôi giấu, ngày đêm thầm lặng đưa đón cán bộ, bộ đội qua sông đánh giặc như mẹ Thành, mẹ Xong, mẹ Khuể...
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có hơn 300 cán bộ, bộ đội, du kích đã nằm lại trên mảnh đất Kỳ Hòa anh hùng, được nhân dân kính trọng, tri ân về tinh thần đấu tranh bất khuất!
2. Tại chiếc nôi cách mạng Tam Nghĩa, theo tư liệu của địa phương, sau khi Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập, phong trào cách mạng dần phát triển rộng khắp. Tháng 2/1935, Chi bộ Tịch Tây được thành lập, đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của xã Tam Nghĩa.
Từ đây, Chị bộ Tịch Tây luôn giữ vai trò, sứ mệnh lịch sử lãnh đạo phong trào cách mạng của địa phương, trở thành địa bàn hoạt động chủ yếu của Phủ ủy, Tỉnh ủy trong những năm tiếp theo.
Trong thời kỳ 1935 - 1945, tuy nhiều lần bị kẻ thù đàn áp, khủng bố, tổ chức đảng nhiều lần bị bể vỡ, hàng trăm đảng viên, cơ sở cách mạng bị địch bắt tù đày nhưng các đảng viên, cơ sở cách mạng vẫn một lòng kiên trung, nhờ đó phong trào đấu tranh cách mạng được giữ vững, trở thành địa bàn quan trọng để Xứ ủy, Tỉnh ủy, Phủ ủy đứng chân hoạt động.
Đây là nơi nuôi giấu, che chở, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Nguyễn Đức Thưởng, Hồ Tỵ, Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim... Mảnh đất Tam Nghĩa còn là quê hương của nhiều chiến sĩ cách mạng kiên cường như Lê Bá, Nguyễn Tiến Chế, Dương Loan, Huỳnh Thiện...
Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1959), địch đổi tên xã Tam Nghĩa thành xã Kỳ Liên. Chúng đưa hàng chục tên ác ôn khét tiếng, những tên Quốc dân đảng có thâm thù với cách mạng để thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, truy lùng, vây ráp, bắt giết cán bộ đảng viên, quần chúng trung kiên, hòng dập tắt phong trào cách mạng của nhân dân Kỳ Liên...
Từ tháng 5/1965, khi những tên lính Mỹ đầu tiên đổ bộ lên đất Quảng Nam, Kỳ Liên là địa bàn bị chúng càn quét, cày ủi liên tục, gần một nghìn gia đình phải bỏ nhà cửa ra đi, hàng ngàn ngôi nhà, khu vườn bị kẻ thù biến thành bình địa để xây dựng căn cứ quân sự Chu Lai.
Sự xuất hiện của quân viễn chinh Mỹ trở thành một thách thức cam go đối với ý chí cách mạng, tinh thần chiến đấu của quân và dân miền Nam nói chung, xã Kỳ Liên nói riêng. Câu hỏi đặt ra là “liệu ta có đánh được Mỹ không? Đánh Mỹ bằng cách nào?”.
Nhưng chỉ hơn nửa tháng sau, mảnh đất Kỳ Liên chứng kiến một trong những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Chiến thắng Núi Thành (26/5/1965). Chiến công này đã góp phần giải quyết những băn khoăn, lo lắng trong nhân dân và một bộ phận cán bộ, đảng viên về khả năng đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Trong những năm 1965 - 1968, mặc dù chính quyền Mỹ - ngụy với bộ máy ngụy quân ngụy quyền và hệ thống đồn bốt dày đặc, luôn sẵn sàng đàn áp phong trào cách mạng ở địa phương, quân và dân Kỳ Liên vẫn kiên cường trụ bám, từng bước xây dựng lực lượng tại chỗ, phát triển du kích chiến tranh, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Nói về tinh thần bất khuất, cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Hồng Thân (người từng bám trụ hoạt động trên mảnh đất Chu Lai và tham gia hơn 80 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, bắn rơi máy bay và bắn cháy cả xe tăng quân sự của địch), ngoài sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của các cấp ủy đảng, thì thành tích của bản thân ông có được là nhờ tình yêu thương, chia ngọt xẻ bùi của đồng chí đồng đội đã cùng chia lửa cho nhau, không quản ngại gian khổ hy sinh, trụ bám địa phương, xây dựng phát triển phong trào cách mạng. Và đặc biệt là sự che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân...
-----------------
Bài cuối: Chuyển mình ở vùng đất cách mạng