Mốc son lịch sử - Bài cuối: Chuyển mình ở vùng đất cách mạng

HÀ QUANG - VĂN PHIN 11/08/2023 08:49

Đã 90 năm, nơi ngọn lửa cách mạng đầu tiên ở vùng đất phía nam của Quảng Nam được nhóm lên, lãnh đạo phong trào đấu tranh đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với những chiến công vẻ vang; giờ đây vùng đất “trung dũng kiên cường” Núi Thành đang vươn mình với những kỳ tích trong công cuộc xây dựng quê hương...

Kinh tế xã đảo Tam Hải chuyển biến tích cực theo hướng thương mại - dịch vụ. Trong ảnh: Bến phà Tam Quang - Tam Hải. Ảnh: H.QUANG
Kinh tế xã đảo Tam Hải chuyển biến tích cực theo hướng thương mại - dịch vụ. Trong ảnh: Bến phà Tam Quang - Tam Hải. Ảnh: H.QUANG

Bước ra khỏi chiến tranh, vùng đất Núi Thành ngập chìm trong bộn bề gian khó do hậu quả chiến tranh để lại nặng nề. Tháng 12/1983, huyện Núi Thành được thành lập, trên cơ sở tách ra từ huyện Tam Kỳ, song cơ sở vật chất chẳng có gì, ngoài vành đai trắng của căn cứ quân sự Chu Lai ngày nào. Mãi đến năm 2003, tỉnh Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước giao trọng trách trong việc xây dựng khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước.

Chu Lai - Núi Thành nhanh chóng được xây dựng và trở thành khu kinh tế trọng điểm của cả miền Trung. Với lợi thế có cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ đã tạo điều kiện cho Chu Lai - Núi Thành khẳng định được vị thế hội nhập và phát triển. Sau 40 năm thành lập huyện, cùng với sự phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai, diện mạo các làng quê Núi Thành giờ đây đã được khởi sắc.

Tại địa danh nơi thành lập Chi bộ An Hòa (thôn Thuận An, xã Tam Hải), bóng dáng của rừng dừa Đồng Dân ngày nào vẫn không khác mấy trong hình dung của chúng tôi bởi vẫn đang rậm rịt, mát mẻ và những con đường bê tông nông thôn bao bọc sự là đổi thay đáng mừng.

Lão thành cách mạng Phạm Thế Vinh (thôn Bình Trung, xã Tam Hải) nói, ông đang sống những ngày tuổi già với con cháu và hàng xóm láng giềng trong không gian làng quê bình yên, dù Tam Hải là một trong những địa phương phát triển chộn rộn của huyện Núi Thành.

Tam Hải giờ đây không còn là ốc đảo cách trở bởi hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, thuận tiện, nhất là hệ thống giao thông nội bộ. Ngoài thế mạnh khai thác biển, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản thì kinh tế của địa phương đang dần chuyển dịch sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Dù vẫn còn một số khó khăn do vị trí đặc thù nhưng Tam Hải là địa điểm được nhiều người biết đến trên bản đồ du lịch, bước đầu tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Theo báo cáo của Đảng ủy xã, trong nửa nhiệm kỳ qua công tác giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 3,59% (91 hộ) năm 2020 xuống còn 3,16% (80 hộ) năm 2023.

Tại vùng đất cách mạng Tam Nghĩa - nơi Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập, vượt qua chặng đường gian khó sau khi bước ra khỏi chiến tranh, kinh tế - xã hội của địa phương thời gian qua cũng đạt được những thành tựu đáng kể.

Ông Nguyễn Thành Đạt - Chủ tịch UBND xã cho biết, là địa phương nằm trong địa bàn có nhiều dự án, cơ sở dịch vụ quy mô lớn như sân bay Chu Lai, Cụm công nghiệp Nam Chu Lai, các trụ sở quân đội, lực lượng chức năng thuộc Trung ương... đóng chân, những năm qua Tam Nghĩa định hướng phát triển kinh tế lấy công nghiệp - dịch vụ làm mũi nhọn, song song với kinh tế nông nghiệp, trồng rừng. Tam Nghĩa có thêm một lợi thế là giáp ranh với Quảng Ngãi - nơi có Khu kinh tế Dung Quất sôi động nên biên độ phát triển lĩnh vực dịch vụ rộng rãi hơn, và bài toán giải quyết lao động địa phương cũng có nhiều lời giải hơn.

“Nét nổi bật là tại địa phương, nhiều người dân đã có việc làm, thu nhập ổn định từ các nhà máy trên địa bàn Núi Thành và vùng giáp ranh Quảng Ngãi. Theo thống kê, số lượng lao động trong độ tuổi của xã khoảng 5.000 người thì 2/3 trong số ấy làm việc ổn định trong các nhà máy” - ông Đạt nói.

Từ một huyện nông nghiệp thuần túy, Núi Thành đã xác định phương hướng phát triển kinh tế của huyện là chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ sang công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ, quyết tâm xây dựng Núi Thành trở thành huyện công nghiệp của tỉnh.

Công nghiệp phát triển đã mở ra cho Núi Thành nhiều cơ hội, tiềm năng kinh tế, nhanh chóng làm động lực đẩy nhanh phát triển về mọi mặt, trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn Núi Thành năm 1983 chỉ 229 tỷ đồng, đến năm 2022 đã đạt 117.817 tỷ đồng; trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp và xây dựng năm 1983 chỉ có 5 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã là 103.645 tỷ đồng.

Trên chặng đường 40 năm thành lập huyện, cùng với sự đầu tư của Trung ương và của tỉnh vào Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành cũng đã tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đem lại hiệu quả thiết thực. Các công trình cảng biển Kỳ Hà, cảng Chu Lai - Trường Hải, sân bay Chu Lai, cảng cá Tam Quang, các chợ trung tâm, rồi hệ thống giao thông vòng xuyến quốc lộ 1, đường Võ Chí Công nối Tam Kỳ - Chu Lai, các tuyến giao thông trung tâm huyện đến các xã được xây dựng.

Đáng kể nhất, các tuyến ĐT617 lên Tam Trà, đến với các thôn, nóc đồng bào Co xa xôi; tuyến ĐH3 đi Tam Thạnh - Tam Sơn; ĐH5, ĐH7 đi Tam Mỹ Tây - Tam Trà - Tam Sơn, nối các vùng chiến khu xưa của huyện; đường thanh niên ven biển, tuyến đường trục chính Tam Tiến, Tam Hòa được trải dài trên vùng cát biển và gần 200km đường giao thông nông thôn được thảm nhựa cũng như bê tông hóa, nối nhau đến từng cụm dân cư, từng nhà... Đó là một trong những động lực để vùng đất cách mạng Núi Thành tiếp tục chuyển mình, vươn tới những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên hành trình mới!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mốc son lịch sử - Bài cuối: Chuyển mình ở vùng đất cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO