Vụ việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng đã làm nhiều người dân hoang mang. Theo đó, có hơn 800 sản phẩm gồm 668 sản phẩm dùng cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản và 140 sản phẩm thức ăn thủy sản không đảm bảo chất lượng đã được lưu hành trên thị trường bằng cách mua giấy phép lưu hành từ Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản. Từ đường dây này, nhiều sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại đã nằm trong danh sách các sản phẩm được phép lưu hành.
Chuyện nhiều loại vật tư chăn nuôi thủy sản có nguồn gốc trôi nổi lâu nay thật ra không lạ với nông dân trên địa bàn tỉnh, nhưng điều làm nhiều người bất ngờ là ngay cả cán bộ chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng các sản phẩm này cũng đã “bán linh hồn” để doanh nghiệp lừa dối họ. Dù đến nay danh mục hơn 800 sản phẩm này vẫn chưa được công bố nhưng theo nhiều nông dân, chắc chắn trong đó có rất nhiều sản phẩm mà họ đã từng sử dụng. Đặc biệt, nhiều hộ nuôi tôm ở vùng ven biển của tỉnh cho biết lâu nay vẫn sử dụng nhiều sản phẩm của các công ty “rất quen” vừa được công bố nằm trong danh sách 72 doanh nghiệp mua giấy phép con của Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản để lưu hành sản phẩm.
Chi phí cho nuôi tôm hiện nay là gánh nặng với nông dân. Nhiều người dân lâm vào cảnh nợ nần cũng vì đầu tư trong quá trình nuôi với chi phí quá cao, trong khi tôm thường xuyên bị dịch bệnh. Một người nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Núi Thành cho biết, trung bình một sào ao nuôi ông phải bỏ ra khoảng 90 triệu đồng chi phí trong suốt quá trình nuôi, trong đó tiền thức ăn cho tôm khoảng 50 triệu đồng, tiền thuốc xử lý ao, “thuốc bổ” cho tôm khoảng 20 triệu đồng. Đó là tính khi tôm nuôi suôn sẻ, còn khi tôm bị bệnh thì chi phí này cao hơn bởi phải mua nhiều loại thuốc điều trị cho tôm. Điều đáng nói là nông dân thường mất kiểm soát về mặt chất lượng cũng như giá cả các mặt hàng vật tư chăn nuôi thủy sản bởi bị các đại lý “thâu tóm”. Người nuôi tôm từ khi xử lý ao thả giống đến lúc thu hoạch, muốn mua vật tư chăn nuôi thì trăm sự đều phải “nhờ cậy” đến các đại lý vì họ chủ yếu mua nợ. Đến lúc thu hoạch, đại lý cứ đem sổ ra tính. Có nhiều loại thuốc xử lý môi trường nước, trị bệnh cho tôm với tên gọi nhùng nhằng, giá cả đắt đỏ nhưng người dân đành phải bấm bụng mua bởi họ ít có sự lựa chọn và phải tuân thủ theo kiểu “mua theo toa của bác sĩ”. Trong khi đó, nhiều chủ đại lý giàu lên rất nhanh bởi mức chiết khấu cao ngất ngưởng khi bán các sản phẩm này cho nông dân…
Trong 3 năm (2013 - 2015) bán giấy phép con cho doanh nghiệp, các cán bộ ở Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản có thể bỏ túi vài tỷ đồng, nhưng thiệt hại mà họ đã gây ra là không thể tính được. Và đáng tiếc, nông dân cuối cùng là những người bị móc túi!
MINH ĐỨC