(Xuân Giáp Ngọ) - …Đã qua những ngày mưa lũ, một sớm bình yên về quê. Chân thả bước bên thảm cỏ ven đường còn long lanh những giọt sương đọng trên mắt lá, tiếng chim đâu đó bất ngờ lảnh lót, cây cỏ ngát lên mùi hương thật thơm tho, trong lành chảy vào tôi niềm cảm xúc lâng lâng khó tả. Hình như xuân đã về đâu đó!
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan…”, hơi ấm của mùa xuân như lan tỏa, len qua từng chiếc lá, cành cây, ngọn cỏ. Hơi xuân lướt nhẹ nhàng qua từng ngõ quê, đến từng con phố để hòa vào dòng người hối hả một cách chậm rãi theo làn mưa xuân nhè nhẹ, lất phất bay như những bàn tay mềm mại, âu yếm vuốt ve lên những chồi non lộc biếc đang căng tràn nhựa sống.
Đám cưới đầu xuân. |
Có người bảo đâu phải đợi đến mùa xuân thì trai gái mới bâng khuâng hò hẹn, con tim mới rộn rã những cung bậc yêu thương. Song chẳng ai phủ nhận, mùa xuân như có chất men say kỳ diệu làm trái tim con người dễ bị phủ dụ để lạc bước vào mê cung tình yêu hơn. Mùa xuân là mùa khởi đầu tứ tiết, mùa của sự sinh sôi nảy nở. Trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, ghi nhiều nét nghĩa của từ “xuân”: chỉ mùa đầu tiên trong năm, chỉ tuổi trẻ (xuân xanh), chỉ cha mẹ (xuân huyên), chỉ người cha (xuân đường), chỉ một điệu hát phổ biến trong nhạc ngũ âm (xuân nữ), chỉ tiết giữa mùa xuân (xuân phân), chỉ cảnh sắc mùa xuân, hoặc vẻ trẻ trung tươi đẹp của tuổi trẻ (xuân sắc)...
Nụ cười xuân.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính nổi tiếng với những bài thơ xuân thật đẹp kể cả cảm xúc và cảm nhận cảnh sắc bức tranh quê kiểng đặc thù không lẫn vào đâu được. Trong mục Tin thơ trên báo Ngày nay (số 98, ra ngày 20.2.1938), Thế Lữ đã dẫn 4 câu thơ của Nguyễn Bính để ngợi khen:
“Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Liếc mắt nhìn trời, đôi mắt trong…”.
“Thơ xuân của ông Nguyễn Bính là những bức tranh nhỏ nhắn vẽ những nét hoạt bát vui vẻ không có chút gì gọi là kỳ khu. Bốn câu đầu trong bài Xuân về của ông: Vẻ đùa cợt thực là tài tình ở những tiếng nhắc lại ỡm ờ nhưng không ngang chướng. Ông Bính có một giọng thơ bao lơn rất dung dị và rất đáng yêu”...
Giữa khung cảnh đất trời lộng lẫy, mùa xuân như khơi dậy cho con người nhiều ước vọng, yêu đương nhưng cũng gợi những suy tư sao lòng người không được như trời đất. Bởi vậy, trong một xuân tha hương “Hành phương nam”, Nguyễn Bính đã thốt lên:
“… Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với ngươi buồn vậy thay
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say?
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may…”.
Đi giữa đất trời vào xuân, lòng người như thêm rạo rực, vượt qua toan tính thường nhật để ước điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước, cho người thân và cho chính mỗi chúng ta. Và, không thể quên bức tranh mùa xuân của làng quê nước Việt. Bức tranh ấy mãi rung động lòng người bởi những vẻ đẹp dung dị, bởi còn có cô hàng xóm đôi mắt trong…như thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính đã nói hộ lòng ta những cảm xúc thật khó diễn tả mỗi độ xuân về.
VÕ VĂN TRƯỜNG