"Mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, hướng đến phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam"

TRỊNH DŨNG (lược ghi phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) 25/03/2018 17:10

Tin liên quan

  • Thaco khánh thành nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Mazda lớn nhất Đông Nam Á

(QNO) - Tại lễ khánh thành nhà máy Thaco Mazda sáng nay 25.3 ở Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan điểm của Chính phủ là đối xử bình đẳng các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô. Không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ khánh thành
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ khánh thành nhà máy Thaco Mazda. Ảnh: T.D

Với định hướng, quyết tâm và những bước đi đúng đắn, Quảng Nam từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Kết quả ấn tượng trên, có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Khu kinh tế mở Chu Lai - chủ lực vẫn là Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải với 20 nhà máy lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng, với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, 1 trường cao đẳng nghề và các đơn vị giao nhận - vận chuyển, đầu tư - xây dựng, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam.

Thaco đã là nhà sản xuất lắp ráp ô tô lớn nhất của Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp chủ lực để phát triển ngành công nghiệp ô tô của nước nhà với định hướng vươn ra tầm khu vực. Quan trọng hơn nữa, là đã xây dựng được những sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam.

Trên thế giới, một quốc gia có dân số hơn 50 triệu dân là phải sản xuất được ô tô. Việt Nam có gần 100 triệu dân, không thể không có ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Một đất nước như vậy không thể chỉ phụ thuộc hoàn toàn nhập khẩu ô tô - chủ trương đó đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ đã có những chính sách phù hợp để tạo sự công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc. Dĩ nhiên, bảo vệ sản xuất trong nước cũng phải đúng với các thông lệ, các cam kết hợp tác quốc tế.

Yêu cầu đặt ra là phải nâng cao công nghệ, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước; đồng thời phải bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và đảm bảo tốc độ gia tăng phương tiện phù hợp với hệ thống hạ tầng. Phải thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô có quy mô, nhất là yêu cầu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực. Đồng thời thực hiện tốt các cam kết hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, chống nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại.

Hiện nay, xu hướng tăng thêm các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ ô tô ngày càng rõ rệt, có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị công nghiệp ô tô theo hướng tập trung cho thị trường nội địa, nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy tiêu chuẩn khu vực, quốc tế làm mục tiêu cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu. Đã xuất hiện những doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư lớn, bài bản, quyết tâm tạo ra thương hiệu ô tô Việt Nam như Thaco - Trường Hải. Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành công nghiệp ô tô thời gian qua.

Chính phủ khẳng định quan điểm đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước - ngoài nước mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngành ô tô Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn vào khu vực ASEAN, khi mà thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước khu vực ASEAN về bằng 0% từ đầu năm 2018. Cùng với đó là những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẽ là cơ hội và cũng là thách thức lớn, buộc phải đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô theo xu thế mới.

nhà máy Thaco Mazda
Dây chuyền sản xuất hiện đại tại nhà máy Thaco Mazda. Ảnh: T.D

Tại Chu Lai Quảng Nam, lại có thêm một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô được khánh thành và đưa vào hoạt động - đó là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tự động hóa hoàn toàn và được tổ chức sản xuất theo tinh thần của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đạt chuẩn Mazda Nhật Bản. Đây cũng là dự án nằm trong Thỏa thuận đầu tư chiến lược đã được Thaco và UBND tỉnh Quảng Nam ký kết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2017, có vai trò hết sức quan trọng, góp phần xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai.

Việc đầu tư nhà máy mới, hiện đại, với các dây chuyền sản xuất tự động, được quản lý, điều hành bởi đội ngũ kỹ sư của Thaco được đào tạo tại nhà máy Mazda ở Nhật Bản, cùng với sự hỗ trợ và giám sát của đội ngũ kỹ sư Mazda, sản xuất sản phẩm thế hệ mới, chất lượng tương đương với nhà máy Mazda tại Nhật Bản, có ý nghĩa rất to lớn là tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam đối với xe ô tô sản xuất trong nước, đồng thời tạo cơ hội xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Chính phủ đánh giá rất cao sự hợp tác giữa Tập đoàn Mazda - Nhật Bản với Thaco - Việt Nam. Chỉ sau 7 năm hợp tác, sản lượng xe du lịch Mazda do Thaco bán ra tại thị trường Việt Nam đã lên 100 ngàn xe, đưa Mazda trở thành thương hiệu ô tô Nhật Bản đứng thứ 2 về doanh số trên thị trường ô tô Việt Nam - đây là một thành công lớn cho cả Thaco - Trường Hải và Mazda Nhật Bản.

Với vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp ô tô hàng đầu Việt Nam, Thaco cần có những kế hoạch cụ thể để ổn định thị trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng. Đồng thời đầu tư phát triển sản xuất ô tô trong nước và công nghiệp hỗ trợ, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp cho sự phát triển của nền công nghiệp ô tô Việt Nam.

Chính phủ mong muốn và đề nghị Tập đoàn Mazda Nhật Bản, đại diện ở đây là ngài Hiroshi Inoue sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, đặc biệt là sản xuất các linh kiện - phụ tùng để ngày càng có nhiều sản phẩm linh kiện ô tô được sản xuất tại Việt Nam. Tiếp tục phối hợp và hỗ trợ cho Thaco sớm hoàn thành giai đoạn 2 của nhà máy Thaco Mazda đạt công suất thiết kế 100 ngàn xe/năm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phía Quảng Nam, đề nghị lãnh đạo, các cơ quan ban ngành trong tỉnh tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương, góp phần phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và tỉnh Quảng Nam thông qua Khu công nghiệp cơ khí ô tô kiểu mẫu và hiện đại. Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất lên Quốc hội các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Các bộ, ban ngành Trung ương cần tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện các chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến phát triển ngành công nghiệp ô tô và tăng cường kiểm soát chất lượng ô tô ở Việt Nam. Tăng cường kiểm soát nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN theo Hiệp định Thương mại và hàng hóa ASEAN (ATIGA), đảm bảo đáp ứng nghiêm các điều kiện được hưởng thuế suất bằng 0%.

Tin tưởng Thaco sẽ thực hiện thành công chiến lược hợp tác với Mazda Nhật Bản cũng như phát triển sản xuất ô tô trong nước, đáp ứng mong đợi của khách hàng và kỳ vọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ.

TRỊNH DŨNG (lược ghi phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, hướng đến phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO