Một số hạng mục công trình trường học trên địa bàn TP.Tam Kỳ mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng dù đơn vị thi công đã khắc phục sự cố.
Tọa lạc trên địa bàn TP.Tam Kỳ, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa vào sử dụng năm 2011. Qua vài năm học nhưng nhiều hạng mục xây dựng đã bắt đầu xuống cấp. Ngày 2.4, các công nhân khắc phục các sự cố ở khu vực nhà hội trường và thư viện của trường. Nhiều giàn giáo được dựng lên để cạo gỡ những lớp sơn thấm nước đen sì trên trần tường do mưa dột để thay lớp sơn mới. Theo quan sát của chúng tôi, ngay phòng họp và khu hiệu bộ của nhà trường cũng xuất hiện tình trạng thấm dột, meo mốc. Thầy Lê Nguyên Bảng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Tôi mới về đây vài tháng nên không rõ sự tình. Hiện tượng mưa dột ở các khu phòng hiệu bộ, lớp học là có thật. Cho nên nhà trường vừa có văn bản gửi lên Sở GD&ĐT để khắc phục tình trạng trên. Đơn vị thi công đã xuống khắc phục, nhưng tình trạng trên có tái diễn hay không phải chờ đợi đến khi trời mưa lại mới biết”. Người có thâm niên với trường này nhiều nhất là thầy giáo Nguyễn Đình Tiến (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, nay là Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân) nói: “Công trình trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa vào khánh thành tháng 9.2011. Sau khi đưa vào sử dụng được một học kỳ thì xảy ra tình trạng thấm dột. Cánh cửa gỗ bắt đầu cong, co nỡ không đóng được. Trong các hạng mục công trình thì hội trường và thư viện do UBND TP.Đà Nẵng tài trợ xây dựng với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng”.
Công nhân khắc phục hư hỏng tại một hạng mục ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: T.H |
Công trình Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn thành năm 2011 với tổng mức đầu tư 232 tỷ đồng. Đây là trường THPT có quy mô lớn nhất tỉnh đến thời điểm này. Còn Trường THPT Trần Cao Vân được xây dựng với kinh phí 16 tỷ đồng, gồm các hạng mục như khối nhà lớp học (18 phòng 3 tầng), khối nhà hiệu bộ 2 tầng. Cả hai công trình trường học trọng điểm này đều do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi nhà trường chính thức có văn bản phản ánh về tình trạng xuống cấp, đích thân nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải xuống kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương khắc phục hậu quả. Thế nhưng, sau khi khắc phục xong, đến mùa mưa là các phòng trên bị thấm dột trở lại. Điều đáng nói, bàn ghế làm bằng gỗ chế biến cũng bị loang lổ. Tại nhà kho của trường, bàn ghế các loại bị hư hỏng chất đống cả phòng. Các cửa không đóng lại được nên kính lắp trên cửa bị đập bể do gió lùa vào. Một công trình mới đưa vào hoạt động đã xuống cấp nhanh, thấm dột, theo các giáo viên nhà trường nguyên nhân chính là mái trên có kết cấu đúc bê tông nhưng không lợp tôn, ngói chống thấm. Trong khi đó, khâu chống thấm không được xử lý tốt nên dẫn đến hiện tượng trên.
Trường THPT Trần Cao Vân cũng rơi vào tình cảnh xuống cấp tương tự. Chỉ khác là nơi đây không bị thấm dột mà nền có dấu hiệu sụt lún, tường loang lổ. Chứng kiến công trình cũ kỹ, màu vôi phai nhạt, chúng tôi nghĩ trường này chắc có “tuổi thọ” vài chục năm, không ngờ mới xây năm 2010. Thầy Nguyễn Đình Tiến – Hiệu trường nhà trường thông tin: “Khi tôi về nhận công tác ở đây thì trường đã bị nứt, lún như thế này rồi. Có phòng ốc bị nứt sâu nên hễ trời mưa, nước theo các khe nứt chảy vào phòng làm việc”. Tại phòng Phó hiệu trưởng nhà trường kế bên, quan sát thấy bức tường xuất hiện nhiều đường nứt dài. Còn tại phòng số 3 thuộc tầng 2 của dãy phòng học, một mảng tường lớn bị nứt lớn, dấu biệu cảnh báo không mấy an toàn. Nền trường lót bằng những lớp gạch bông bị bong tróc nhìn không thẩm mỹ.
TRẦN HỮU