Một cuộc gặp gỡ chỉ để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư, nhưng mở ra nhiều hy vọng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong tương lai. Đó là hiệu ứng từ hội nghị “Gặp gỡ các nhà đầu tư Nhât Bản” tổ chức tại Hội An trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam và giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản”.
|
Các nhà đầu tư trao đổi về cơ hội đầu tư, hợp tác trong tương lai bên lề hội nghị. Ảnh: TRỊNH DŨNG |
Quan tâm đến ưu đãi đầu tư
Không có một biên bản ghi nhớ hay ký kết một dự án nào cụ thể, nhưng hội nghị thu hút đến 150 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia sẽ mở ra cơ hội đầu tư vào Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho biết đã có 20 dự án FDI từ Nhật (chiếm vị trí thứ 3/22 quốc gia và vùng lãnh thổ) đầu tư vào Quảng Nam, nhưng so với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, cũng như so với đầu tư của Nhật Bản vào các khu vực khác của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hai bên. Quảng Nam còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Nhật Bản đến nghiên cứu, đầu tư và kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư 4 lĩnh vực: du lịch dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo lao động.
Ông Hattori Kazuhiko - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lixil Việt Nam cho biết, Lixil là một trong 10 hội viên của Hội doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Quảng Nam đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ chính quyền, cơ quan quản lý. Hiện nay có 124 hội viên Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại khu vực đánh giá Quảng Nam được kỳ vọng rất nhiều về sự phát triển trong tương lai. Ông Hattori Kazuhiko hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng. Nhưng để đạt được điều đó, Quảng Nam cần tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng lao động, cũng như cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy thu hút đầu tư hơn nữa.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản không ngoài những cơ chế, chính sách, ưu đãi thu hút đầu tư. Bà Huỳnh Lưu Ngọc Hà - Giám đốc Công ty TNHH Đá mặt trăng - một đối tác chiến lược của nhà đầu tư Nhật Bản có kế hoạch hợp tác mở Viện dưỡng lão tại Quảng Nam, đang tiến hành các thủ tục xin giấy phép đầu tư xây dựng. Theo bà Hà nếu không có gì trở ngại, dự án Viện dưỡng lão đầu tiên của Nhật Bản tại Quảng Nam sẽ hoàn tất và chính thức hoạt động vào quý IV.2019, nên nhà đầu tư mong địa phương giúp đỡ đẩy nhanh khâu thủ tục hành chính để dự án khởi công đúng tiến độ đề ra. Song bà Hà cũng đề cập việc một dự án an sinh, mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam khi tu nghiệp tại Nhật Bản về nước và chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc sức khỏe cộng đồng như thế có được hưởng cơ chế ưu đãi đầu tư gì từ địa phương? Ông Nguyễn Công Giang - Giám đốc Nikken Việt Nam (đơn vị đã đoạt giải nhất cuộc thi quy hoạch Hội An) nói, các nhà đầu tư Nhật vào Quảng Nam chậm hơn các nhà đầu tư khác, một trong những lý do là muốn nhìn thấy bức tranh quy hoạch của Quảng Nam. Ông Giang đặt câu hỏi: Có cơ chế gì cho các doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản vào Quảng Nam?
Cam kết tạo thuận lợi đầu tư
Cầu thị, tôn trọng ý kiến các nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh mong muốn hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phát triển hơn nữa. Quảng Nam cam kết đồng hành hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ cho các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án, hỗ trợ tối đa các thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Mọi thủ tục đều được giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm. Sẽ rút ngắn tối đa về thủ tục cấp phép đầu tư kinh doanh trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được hồ sơ, hỗ trợ đào tạo, cung ứng đủ nguồn nhân lực về số và chất lượng, bảo đảm điện, nước, xử lý nước, rác thải, dịch vụ y tế, viễn thông và bảo đảm an ninh, trật tự trong và ngoài doanh nghiệp. Chính quyền sẽ phối hợp nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, giao đất đúng tiến độ để nhà đầu tư thực hiện các dự án… và cung cấp đường dây nóng của lãnh đạo tỉnh để các nhà đầu tư phản ánh những khó khăn, vương mắc trong quá trình thực hiện dự án…
Những kiến nghị cụ thể của các nhà đầu tư từ dịch vụ y tế, đến năng lượng hay quy hoạch đều đã được giải đáp cụ thể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, các lĩnh vực đưa ra đều được ưu đãi. Nhưng phải có những dự án cụ thể mới biết được sẽ ưu đãi ở mức nào. “Mọi thông tin, dự án gửi về Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư. Tất cả sẽ được hướng dẫn, trả lời cụ thể cho nhà đầu tư về thủ tục và mức độ ưu đãi. Khi đủ hồ sơ, cơ quan quản lý sẽ hoàn tất thủ tục nhanh nhất để nhà đầu tư có thể triển khai dự án” - ông Thanh nói.
Chỉ là một cuộc gặp gỡ, nhưng những đánh giá tốt về môi trường đầu tư của các doanh nghiệp đã đầu tư tại Quảng Nam và lời hứa hẹn từ phía Đại sứ quán, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản “sẽ làm cầu nối kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đến Quảng Nam đầu tư” đã mở ra nhiều hy vọng cho dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ gia tăng trong tương lai. Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh nói, xúc tiến đầu tư là một quá trình lâu dài, không phải chỉ thông qua một hoặc hai chương trình, sự kiện là thấy được kết quả. Nhưng việc đánh giá tốt môi trường đầu tư của các doanh nghiệp hiện tại sẽ là một trong những tiền đề, bảo chứng cho các nhà đầu tư mới vào Quảng Nam.
TRỊNH DŨNG