Quảng Nam hiện còn 69.344 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 17,93%) và 50.933 hộ cận nghèo (chiếm 13,18%). Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, các cấp, ngành đã và đang có những hoạt động thiết thực với tinh thần “mỗi hành động là một nguồn lực” giúp người nghèo ổn định cuộc sống.
Trao phương tiện sản xuất cho hộ nghèo là cách làm được nhiều địa phương thực hiện. Ảnh: D.LỆ |
Đồng hành
Cuộc sống khó khăn của gia đình ông Hồ Đình Lộc (thôn 5, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước) sẽ chẳng bao giờ hết khó nếu không có sự trợ giúp từ Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước. Bản thân ông Lộc bị bệnh sỏi túi mật, vợ bị bệnh ung thư, 2 con bị bệnh máu không đông. Cuộc sống khốn khó cứ bám lấy gia đình bất hạnh ấy, cho đến khi Hội Chữ thập đỏ huyện giúp đỡ. Ông Lộc được hội vận động nguồn hỗ trợ chữa khỏi bệnh. Con gái lớn của ông học giỏi nhưng do bị bệnh, gia đình quá khó khăn nên học hết lớp 9 đành nghỉ học. Hội vào cuộc, hỗ trợ học bổng cho con gái ông tiếp tục được đi học và nếu sau này đậu đại học hoặc cao đẳng sẽ được “tiếp sức đến trường”. Căn nhà lụp xụp của ông Lộc cũng được Hội Chữ thập đỏ huyện vận động hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới. Ông Lộc tâm sự: “Thực sự tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ qua được giai đoạn khó khăn này, vì bản thân, vợ con đều bị bệnh. Giờ đã hết bệnh, tôi sẽ phấn đấu làm ăn để gia đình thoát khỏi cái nghèo. Mừng nhất là con gái lớn được đi học tiếp, bây giờ lại sắp có cái nhà che mưa che nắng chắc chắn. Nếu không có Hội Chữ thập đỏ huyện và các nhà hảo tâm giúp sức, gia đình tôi chẳng biết phải làm thế nào để thoát khỏi khó khăn”. Sắp tới, Hội Chữ thập đỏ huyện sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ cho ông Lộc một con bò sinh sản để tạo sinh kế bền vững, góp phần giúp ông ổn định kinh tế gia đình.
Tính đến hết tháng 9.2013, cùng với nguồn hỗ trợ từ Trung ương, toàn tỉnh đã vận động được hơn 14,4 tỷ đồng quỹ Vì người nghèo các cấp. Với số tiền này, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ hộ nghèo xây mới 458 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 161 nhà, hỗ trợ đối ứng 938 nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ; giúp 95 hộ nghèo phát triển sản xuất và hơn 13 nghìn trường hợp được hỗ trợ chữa bệnh, tặng quà, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn... |
Cũng như ở Tiên Phước, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng các chương trình hành động vì người nghèo bằng nhiều hình thức. Như ở Thăng Bình, Mặt trận đồng hành với người nghèo trong công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát... Năm 2013, Thăng Bình đặt mục tiêu huy động 1,5 tỷ đồng mua 84 bò cái sinh sản (hơn 14 triệu đồng/con) cấp cho 84 hộ nghèo trên địa bàn; đồng thời Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho các hộ được nhận bò. Còn tại Tam Kỳ, “bàn giao nhà ở cho người nghèo trước mùa mưa bão” là hoạt động được Mặt trận thành phố chú trọng thực hiện. Từ nguồn quỹ vận động hỗ trợ người nghèo năm 2013, Tam Kỳ đã hỗ trợ xây dựng 13 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của 13 xã, phường với mức 40 triệu đồng/nhà. Tương tự, với số tiền hơn 913 triệu đồng vận động được vào quỹ Vì người nghèo trong 9 tháng đầu năm 2013, huyện Núi Thành đã hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 20 hộ nghèo, tiếp sức đến trường 380 học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ khó khăn, trợ cấp ốm đau cho 211 trường hợp. Mặt trận huyện còn phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ huyện trao vốn hỗ trợ sản xuất đợt 1 năm 2013 cho 21 hộ nghèo với tổng số tiền 210 triệu đồng...
Chung tay “Vì người nghèo”
Hưởng ứng “Tháng cao điểm vì người nghèo” năm 2013 (bắt đầu từ ngày 17.10 đến 18.11), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có kế hoạch triển khai với nhiều nội dung thiết thực. Ông Vũ Khắc Trọng - Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Trong “Tháng cao điểm vì người nghèo”, tùy điều kiện của từng địa phương sẽ tổ chức các hoạt động phát động quỹ; bàn giao nhà đại đoàn kết; tổ chức thăm và hỗ trợ quà cho người nghèo, các hoàn cảnh thương tâm; thăm các đơn vị kết nghĩa... Các hoạt động này là những nội dung trọng tâm mà Mặt trận các cấp nỗ lực thực hiện để lập thành tích chào mừng Đại hội Mặt trận các cấp”. Từ các nguồn vận động, người nghèo tiếp tục được hỗ trợ cải thiện nhà ở, mua sắm phương tiện sản xuất, học sinh nghèo được tiếp sức đến trường... cùng nhiều chương trình an sinh xã hội khác. Các hình thức vận động sự đóng góp trong nhân dân, cán bộ, đơn vị, doanh nghiệp được đa dạng hóa, tùy theo khả năng mà có hành động thiết thực ủng hộ, giúp đỡ người nghèo.
Ông Trọng cho biết thêm, do tình hình kinh tế khó khăn, nguồn lực huy động chắc chắn sẽ không được như mọi năm. Vì thế, các địa phương tùy theo khả năng có thể tổ chức hình thức vận động bằng đêm văn nghệ, hoặc lễ phát động; tổ chức đoàn đi vận động trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Ủy ban MTTQ các cấp sẽ tiến hành vận động các dòng tộc văn hóa, hội đồng hương kêu gọi con em làm ăn thành đạt ở các nơi ủng hộ cho người nghèo. Ngoài vận động giúp đỡ bằng tiền mặt, Mặt trận có thể đứng ra làm cầu nối, cung cấp danh sách người nghèo cần giúp đỡ về nhà ở, phương tiện sản xuất để các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp, cộng đồng dân cư có thể giúp đỡ bằng vật liệu, ngày công... Bên cạnh đó, mô hình trao phương tiện sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Việc xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo, giúp họ an cư rồi mới đi đến làm ăn ổn định, vươn lên thoát nghèo là cách làm hiệu quả mà nhiều nơi đang thực hiện. Nhiều chính sách ưu đãi cho hộ nghèo được thực hiện mạnh mẽ ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh như hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ ốm đau, bệnh tật, hoạn nạn; xây dựng và sửa chữa nhà đại đoàn kết; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo; cho vay vốn ưu đãi để hộ nghèo có điều kiện làm ăn.
DIỄM LỆ