Mối lo dịch hại trên cây lúa

TƯ RUỘNG 31/07/2018 09:50

Cuối tuần rồi, khảo sát nhiều cánh đồng lúa hè thu của tỉnh, Tư tôi nghe nhà nông than phiền rằng, những ngày qua rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn đã gây hại hàng loạt chân ruộng và thời gian tới có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng.

Đang mang bình thuốc lội phun những ruộng lúa đã úa vàng, thấy Tư tôi xuất hiện, anh Chín Lộc Trung ở xã Quế Lộc (Nông Sơn) nghỉ tay nói: “Tui có 6 sào đất canh tác lúa trên xứ đồng chợ Thơm, hè thu 2018 này gieo sạ 2 loại giống Thiên ưu 8 và TN15. Từ đầu vụ đến nay, hầu hết chân ruộng đều sinh trưởng và phát triển tốt. Thế nhưng, cách đây khoảng 1 tuần, khi ruộng lúa kết thúc giai đoạn đẻ nhánh và chuẩn bị bước vào thời kỳ đứng cái - làm đòng thì bỗng dưng rầy nâu, rầy lưng trắng bùng phát trên diện rộng với mật độ bình quân khoảng 1.000 - 1.200 con/m2. Sợ 2 loại rầy nguy hiểm đó gây cháy chòm từng vạt lúa dẫn đến mùa màng thất bát nên mấy ngày nay tui không đi làm phụ hồ mà ở nhà phun trừ khẩn cấp”. Không riêng anh Chín Lộc Trung, nhiều hộ dân khác ở Nông Sơn cũng đang nơm nớp lo vì hiện toàn huyện đã có ít nhất 180 sào lúa bị rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại nặng với mật độ bình quân 800 con/m2, có nơi lên đến 5.000 con/m2. Còn tại Duy Xuyên, khoảng 10 ngày trở lại đây, ngoài tình trạng rầy nâu và rầy lưng trắng xuất hiện gây hại thì bệnh khô vằn cũng bùng phát trên các ruộng lúa sắp làm đòng. Nông dân đang tập trung phòng trừ bởi rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn là 3 đối tượng hết sức nguy hiểm, nếu không dập tắt kịp thời thì sẽ mất mùa.

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng, vụ hè thu 2018 nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ tổng cộng 42.500ha lúa. Trao đổi với Tư tôi, bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho hay, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có hơn 1.000ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn và không dưới 300ha lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, những ngày tới nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ ruộng lúa để kịp thời phát hiện rầy và bệnh khô vằn. Khi rầy nâu, rầy lưng trắng có mật độ trung bình khoảng 750 - 1.000 con/m2 trở lên thì dùng các loại thuốc thuộc nhóm chống lột xác như Penalty Gold, Azozin 40WP, Map Judo 25 WP, Butyl 10wp, Applaud… để phun trừ. Đối với các ổ rầy, cần khoanh vùng và phun thuốc đặc hiệu thật kỹ để tiêu diệt triệt để nhằm tránh lây lan. Cần lưu ý, không nên phun phòng hoặc phun khi mật độ rầy còn thấp để tránh rầy bộc phát ở giai đoạn sau. Đối với bệnh khô vằn, nhà nông phải vạch lúa quan sát, nếu thấy bệnh xuất hiện thì phun trừ bằng những loại thuốc gồm Validacin 5l, Anvil… Khi ruộng lúa đang bị nhiễm bệnh khô vằn, nhất thiết phải phun thuốc dập tắt mầm bệnh rồi mới tiến hành bón thúc phân.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mối lo dịch hại trên cây lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO