Việc khảo sát, đề xuất bổ sung đường gom, cống chui dân sinh rất cần thiết, nhằm hạn chế ảnh hưởng của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến đời sống, sản xuất của người dân.
Tích cực khảo sát
Ngày 12.4 vừa qua, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT), chủ đầu tư dự án cùng lãnh đạo TP.Tam Kỳ và huyện Phú Ninh đã tiếp tục phối hợp kiểm tra ảnh hưởng của đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực. Theo ông Hà Phước Lộc - Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông, Sở GTVT, đoàn tiến hành đi thực tế tại cầu kênh vượt suối Vũng Giang (giáp ranh giữa 2 địa phương).
Khu vực bị xói lở tại hạ lưu mố cầu Kỳ Lam phía nam.Ảnh: C.TÚ |
Vốn dĩ, cầu kênh này trước đây được người dân sử dụng qua lại để sản xuất, nhưng hiện nay đã bị đường cao tốc ngăn cách. Do đó, Phú Ninh đề xuất bổ sung cầu bản nối hai bờ của kênh thủy lợi N2, phía bên phải tuyến đường cao tốc nhằm giải quyết lưu thông ra vào vùng đất canh tác. Sau khi kiểm tra hiện trường, các bên cùng thống nhất nội dung mà địa phương đã kiến nghị. Cũng tại Phú Ninh, đoàn tìm được tiếng nói chung về việc bổ sung cống chui khẩu độ tại km65+080 và đường gom bên trái tuyến đoạn km65 - km65+100; đường gom bên trái tuyến đoạn km65+624 - km65+896. Khảo sát tại vị trí cầu vượt FO06 (km66+455 của đường cao tốc) và đường ngang vào cầu nằm trên địa phận Phú Ninh - Tam Kỳ, cần bổ sung thêm cống chui và đường gom vì khu vực này có độ vênh khá lớn.
Mới đây, Sở GTVT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ GTVT giải quyết việc ảnh hưởng của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân huyện Núi Thành. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất được đánh giá thiệt hại sau 2 đợt mưa lũ cuối năm 2016. Đơn cử tại địa bàn xã Tam Hiệp, mưa lũ cuối năm vừa rồi khiến mực nước dâng cao ở cống chui dưới cầu ORB22 (km82+384). Để tránh sự cố đáng tiếc về tính mạng con người, việc điều chỉnh đường gom và cống chui dưới mố phía nam lẫn phía bắc là xác đáng. Tại xã Tam Xuân 1, hạ lưu cống thoát nước tại km70+097 đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của hộ ông Nguyễn Viết Trung. Vì vậy, Sở GTVT đề nghị phải bổ sung tường chắn phía hạ lưu cống và gia cố mương dẫn phía hạ lưu dài 100m. Cũng tại Núi Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Trần Thanh An cho hay, các bên liên quan còn tham mưu bổ sung thiết kế mương dẫn nước từ lòng cống đã thi công đến vị trí có cao độ thấp hơn đảm bảo việc thoát nước. Bởi thực tế, nhiều lòng cống hiện thấp hơn so với cao độ đường ngang hiện trạng và địa hình tự nhiên lân cận. Ngoài ra, chủ đầu tư cần xử lý gia cố và giải pháp thoát nước tại thượng, hạ lưu các cống để tránh xả nước trực tiếp vào ruộng.
Mối lo còn đó
Cho biết về trách nhiệm hoàn trả đường công vụ, ông Hà Phước Lộc thông tin, từ giữa năm 2016, Sở GTVT đã phối hợp cùng với địa phương và Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thống nhất danh mục các đoạn tuyến liên quan cần hoàn trả khu vực từ Điện Bàn đến Phú Ninh (gói thầu số 2 đến hết gói thầu số 7). Nhưng hiện nay, chủ đầu tư chỉ mới hoàn trả nguyên trạng bề rộng mặt đường 5,5m đoạn tuyến ĐT609B, từ ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông qua địa bàn Đại Lộc, các tuyến còn lại chưa thực hiện. Đoạn từ địa bàn Phú Ninh đến Núi Thành (2 gói thầu số A1 và số A2), chủ đầu tư chưa tổ chức kiểm tra. |
Theo ông Hà Phước Lộc, nhiều kiến nghị của địa phương cơ bản đã giải quyết các nhu cầu về đường gom, cống chui dân sinh đoạn từ Điện Bàn vào đến Phú Ninh. Song, sau đợt lũ cuối năm 2016, đời sống và sản xuất của nhân dân khu vực Điện Bàn và Duy Xuyên bị ảnh hưởng nặng liên quan đến công trình trọng điểm quốc gia này. Chính quyền xã Điện Quang (Điện Bàn) cho hay, tại khu vực hạ lưu mố cầu Kỳ Lam phía nam, dòng chảy của lũ từ sông Thu Bồn đã tạo vệt xói dọc đường đầu cầu, cuốn theo đất lấp ruộng sản xuất vùng lân cận. Nguy cơ xói lở vào đất và nhà ở của các hộ dân nằm gần vị trí trên là rất cao. Trước thực trạng ấy, ngày 24.2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã ký văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư) đề nghị giải tỏa, di dời 4 hộ dân gồm: Trịnh Văn Hùng, Trịnh Thi, Đỗ Thị Huề và Đỗ Phú Thính nằm trong vùng nguy hiểm nêu trên. “Mấy mươi hộ dân của thôn Kỳ Lam, xã Điện Quang bị án ngữ bởi tuyến đường sắt Bắc - Nam ở phía đông và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nằm phía tây. Khoảng cách giữa hai “lá chắn nước” vừa kể chỉ vài chục mét nên chúng tôi rất lo lắng, nhất là mùa mưa lũ” - một người dân thôn Kỳ Lam nói.
Tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên), các hộ dân phía thượng lưu cầu ORB04 (km23+376 của dự án) trước đây hiếm khi bị ngập lụt. Thế nhưng cuối năm 2016, mưa lớn kéo dài gây ngập úng, hư hại hoa màu và con vật nuôi. Nguyên nhân được xác định một phần là đơn vị thi công không thanh thải kịp thời; quan trọng hơn, việc bố trí 2 đường gom dân sinh đi dưới lòng cầu đã làm hạn chế khẩu độ thoát lũ. Vì vậy, Quảng Nam đề xuất phải bổ sung cống chui phía nam cầu với khẩu độ (5x3,5)m, phục vụ kết hợp đường dân sinh và thoát lũ, còn đường gom dưới cầu mố phía nam thay đổi đi vào cống chui này. Cũng tại xã Duy Sơn, tỉnh kiến nghị cần bồi thường, thu hồi phạm vi đất ở của hộ Nguyễn Văn Tường phía hạ lưu cầu ORB05 (km24+917) bị ảnh hưởng, khối lượng cụ thể do địa phương và các bên liên quan đo đạc thực tế. “Tính chung từ Điện Bàn vào Núi Thành, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT, chủ đầu tư chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các nhà thầu khẩn trương xây dựng, hoàn trả các đường dân sinh, đường nội đồng, mương tưới, tiêu để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đề xuất bồi thường, thu hồi phạm vi đất sản xuất phía hạ lưu cầu, cống thoát nước bị ảnh hưởng bởi dòng chảy gây xói lở hoặc bồi lấp đất đá. Riêng các vị trí hạ lưu cầu, cống khác chưa thấy chịu tác động ảnh hưởng sẽ xem xét khi xuất hiện thiệt hại thực tế” - ông Trần Thanh An cho hay.
CÔNG TÚ