(VHQN) - Lời người già, rằng bếp là trung tâm cấm kỵ của người Cơ Tu. Trong bếp có thần đấy. Nhờ bếp mà mình có đồ ăn, thức uống, ấm người mùa đông. Mà ăn uống là sản phẩm của thần rừng, nên bếp linh thiêng lắm...
Ông già Cơ Tu ở thôn A Ró (xã Lăng, huyện Tây Giang) ồ lên rồi cười như thể bị quê, khi trước đó mấy phút ông nhìn tôi như người nguyên thủy, rằng “ôi bây chừ làm chi có bếp nhà sàn nữa, nông thôn mới toàn nhà xây, may lắm là còn bếp nhưng dưới đất, ồ à, trên thôn Pơrning (xã Lăng) chỉ còn nhà ông...”.
“Không phải nhà ông kia ở Pơrning, đúng không? - tôi không tha. Ông gật gù quan sát gian bếp ba tầng sạch sẽ ở ngôi nhà sàn bằng gỗ của Pơloong Plênh - cán bộ phòng văn hóa huyện, cũng ở thôn A Ró. Đấy, chưa chắc trẻ mà mất bản sắc, già làng như ông lại không chịu làm bếp nhà sàn.
Thoáng bối rối, ông lẩm bẩm như quyết “tau sẽ làm”. Rồi ông đứng lên, thuyết minh: tầng dưới cùng tiếp xúc gần lửa, dùng treo thịt xông khói cho khô, treo bắp, để củi… Tầng giữa để đồ ăn dựng trong ống lồ ô, thức ăn dùng thời gian ngắn. Tầng trên là củi. Nói xong, lại ngồi xuống ngắm nghía. Bỗng thấy thương ông già. Có lẽ một đoạn đời, một khúc thức, một giai điệu, một hồi quang đã về và đang gào thét trong ông.
Plênh nhỏ nhẹ: “Em dùng bếp này mùa đông cho ấm. Nhà em cũng là chỗ đón khách du lịch, muốn thì họ ở lại đây…”. Tôi thèm nâng chén ngang mày mời bạn. Không có bếp này, không tha thiết với ánh lửa nguồn cội, thì Plênh làm sao có bài thơ “Bếp quê” đăng Báo Văn nghệ: “Con nhớ bếp nhà xưa/Nhớ giọng bà nồng ấm/Nhớ bao câu chuyện cổ/Bà thường kể hằng đêm/Chuyện giữ làng, giữ nước/Chuyện đoàn kết dựng xây/Củi tặng mùa giá rét/Tục chia phần có nhau…”.
Lâu lắm rồi, tôi mới được uống rượu bên bếp nhà sàn Cơ Tu. Cả ông Bríu Pố lẫn anh Briu Liếc được xem là những người am hiểu phong tục Cơ Tu, đều nói không nghe chuyện về lửa. Nhưng có lẽ, mọi thứ bắt đầu từ củi.
Củi mùa đông giúp nhau. Củi hứa hôn của con gái về nhà chồng, để rồi từ đó cha mẹ nàng thầm khóc con khi nhìn qua bếp không thấy con gái sáng sớm chiều muộn nhễ nhại mồ hôi bên bếp, giờ chắc cũng thế nơi nhà người ta. Củi là quà của rừng. Củi là giấc mơ của đứa con trai lớn nhanh, khỏe, thẳng như cây chò.
Củi là cánh tay của bé gái, rồi sẽ thanh xuân ngợp trong giấc mơ tình ái, thành đàn bà sinh và bảo bọc con, thành bà lão ngồi kể chuyện làm người, chuyện rừng, chuyện xửa chuyện xưa với đám con cháu. Củi là mái nhà yên phủ bóng xuống tâm hồn.
Và củi là lửa.
Lời người già, rằng bếp là trung tâm cấm kỵ của người Cơ Tu. Trong bếp có thần đấy. Nhờ bếp mà mình có đồ ăn, thức uống, ấm người mùa đông. Mà ăn uống là sản phẩm của thần rừng, nên bếp linh thiêng lắm. Cho nên, trước khi đi làm, thì chạm chân vào tro bếp, lầm rầm khấn thưa tôi đi làm xin thần cho tôi săn được con thú lớn, bắt được con cá ngon, xin thần phù hộ tôi được mọi điều tốt đẹp. Đi làm về, cái gùi trên vai chưa thả xuống nhưng chân lại phải chạm tro bếp lần nữa, thưa thần linh tôi đã về, cảm ơn thần linh đã cho tôi bình yên, may mắn…
Tôi hỏi ông già: “Khách như tôi, vào bếp châm lửa hút thuốc được không?”. “Được, nhưng chủ nhà phải xin, thần cho phép mới được làm. Ai cầm dao, chỉ cầm chạm vào bếp, là tuyệt đối không được, cũng như không được chặt vào cửa, vào sân, thần sẽ nổi giận, nhà đó, làng đó sẽ có họa. Khách sẽ bị làng phạt…”.
Ngày xưa ngày đó, bếp nhà ai còn đỏ lửa, còn ấm than hồng, là chủ nhà còn vui, nhà còn sinh khí, mà nó là con đẻ của tục giữ lửa, tuyệt đối không để mất, bởi thần linh ở đó. Plênh lại nhỏ nhẹ: “Không dám để anh à, sợ cháy nhà, bao nhiêu làng đã cháy trụi vì lửa không ai ngó ngàng…”.
Mất hết bếp nhà sàn. Không giữ lửa nữa. Ông già vẫn không đứt mạch: “Làm gươl mới, thì lấy lửa ở nhà người có uy tín nhất làng. Dựng nhà mới thì xin lửa họ hàng. Không ai được tự ý...”.
Thời buổi đã khác. Ông già này nổi tiếng thông minh và lý sự, ngay thẳng: “Làm nông thôn mới thì đúng rồi, nhưng dẹp hết nhà sàn, hỏi còn chi bản sắc chứ? Hãy để bà con làm bếp, khuyên mọi người làm đi, không thì nhạt nhẽo”. Ừ, nhạt nhẽo. Quá lâu, không, lần đầu, tôi nghe cái từ chính xác đến cấm cãi của một người già Cơ Tu gần chạm tuổi 80. Vùn vụt trong tôi ký ức bao lần nhìn họ qua ánh lửa.
Lửa len vào mắt họ, bừng sáng, nhòa đi, cuộn vào khói, vượt qua mái nhà có con gà con triêng đứng ở đầu hồi, len vào cây rừng, bay về nơi xa thẳm. Họ rì rầm chi đó chỉ đủ nghe như lửa không quá cao ngọn nhưng đủ chín nẫu tâm tình chân thật, bởi có thần làm chứng. Ông già kết luận khi đưa chén rượu lên: “Ngày xưa họ tin thần linh bao nhiêu thì càng sống tốt bấy nhiêu...”. Bếp là linh hồn của làng...
Plênh bỗng lên tiếng: “Dạ cảm ơn chú đã dạy điều hay lẽ phải cho con cháu”. Tôi tin Plênh như tin bao người Cơ Tu còn giữ lửa trong mắt, vốn thích làm mà không nói nhiều…