Nếu hút thuốc lá chủ động là tác nhân chủ yếu gây bệnh ung thư phổi ở nam giới thì nữ giới là nạn nhân của hút thuốc lá thụ động; đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư phổi với tỷ lệ nữ giới mắc ngày càng cao.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc mà người hút phả ra. Lượng khói người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Do đó, người không hút thuốc cũng bị tác hại nếu thường xuyên ở trong môi trường có chứa khói thuốc lá.
Theo đó, hút thuốc lá thụ động có nguy cơ gần như tăng gấp 2 lần so với hút thuốc lá chủ động. Các chất sinh ung thư từ khói thuốc lá được nghiên cứu như Nicotine, Acrolein, N-Nitrosamines, Acetaldehyde, Benzen, Polycyclic aromatic hydrocacbons có hàm lượng không kém khi hút thuốc lá chủ động.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức - Tổng Thư ký Hiệp hội Ung thư Việt Nam cho biết, những đứa trẻ có người thân hút thuốc lá trong nhà thường gặp nhiều bệnh về đường hô hấp như hen, suyễn, viêm phế quản, viêm mũi họng, viêm xoang...
“Chất lượng không khí ở Việt Nam đặc biệt là các thành phố lớn đã rất ô nhiễm cũng đã là một yếu tố dễ gây ung thư phổi, do đó, nếu thêm khói thuốc lá thì nguy cơ lại càng tăng cao.
Khi thăm khám bệnh tôi thường gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân nữ bị ung thư phổi và khi hỏi ra thì gần như tất cả trường hợp đều có người thân là cha hoặc chồng hoặc cả hai hút thuốc lá và đặc biệt còn hút trong nhà” - bác sĩ Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Theo nhiều nghiên cứu, đối với trẻ em, chỉ cần 1 giờ trong phòng có người hút thuốc lá cũng khiến trẻ em hấp thụ số lượng hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày. Với cơ thể đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển, việc hít phải khói thuốc là một điều không an toàn đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hút thuốc lá thụ động khiến trẻ đối diện rủi ro cao bị viêm phế quản.
Ngoài ra, sức khỏe tinh thần của trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá. Khi trưởng thành, ngoài có khả năng bị mất đi thính giác, những đứa trẻ lớn lên với khói thuốc lá đối mặt rủi ro tiềm ẩn bị bệnh tim, ung thư phổi hoặc các loại ung thư khác. Thường xuyên tiếp xúc với người hút thuốc lá cũng có thể khiến trẻ hình thành thói quen sử dụng thuốc lá khi lớn lên.
Ở phụ nữ, khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non. Với phụ nữ mang thai, hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%.
Tại Việt Nam có chưa đến 2% phụ nữ hút thuốc nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành. Trong số người tử vong do hút thuốc thụ động, có đến 64% là nữ. Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.
“Phụ nữ cần có thái độ kiên quyết và rõ ràng trước chồng, cha, anh, bạn trai có thói quen xấu là hút thuốc lá” là điều được nhiều bác sĩ khuyến cáo. “Đó là một hành vi sáng suốt tự bảo vệ sức khỏe bản thân mình, người thân mình thậm chí tương lai của mình sau này. Đối với nam giới, nếu chưa thể bỏ thuốc lá ngay, khi hút thuốc lá hãy có một khoảng cách thật an toàn với người bạn cần bảo vệ đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” - bác sĩ Nguyễn Minh Đức nói.