Mối quan hệ giữa startup và truyền thông

PHAN VINH 17/10/2019 15:07

(QNO) - Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Tổng kết hoạt động truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương năm 2019: Chia sẻ thông tin - Kết nối mạng lưới”. Qua đó nhằm tạo điều kiện kết nối những người làm truyền thông tại các tỉnh, thành với mạng lưới nhà báo, phóng viên tại các cơ quan thông tin trung ương, cũng như với các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tham gia Đề án 844.

Các chuyên gia về hỗ trợ khởi nghiệp và người làm truyền thông chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: P.V
Các chuyên gia về hỗ trợ khởi nghiệp và người làm truyền thông chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: P.V

Truyền thông cho khởi nghiệp

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Việt An - phụ trách quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án 844 - Bộ Khoa học và công nghệ đặt vấn đề, truyền thông là yếu tố then chốt để nâng cao nhận thức của công chúng về khởi nghiệp sáng tạo, để cả xã hội có cái nhìn đúng đắn về các startup. Từ đó có các hành động thiết thực góp phần ủng hộ, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa khởi nghiệp sáng tạo. Tuy có vai trò thiết yếu như vậy nhưng truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn hạn chế về chủ đề truyền tải, chưa thực sự được đáp ứng kịp thời với nhu cầu phát triển của các lĩnh vực, cũng như chưa chạm được đến vấn đề cốt lõi mà những người quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo muốn biết.

Khai thác sâu hơn về vấn đề trên, nhà báo Hoàng Quốc Lê - chuyên gia truyền thông khởi nghiệp tại Trung tâm Tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn về cách mà nhà báo cần thích ứng với bối cảnh bùng nổ thông tin về khởi nghiệp hiện tại.

Người làm truyền thông cùng thảo luận những chủ đề có thể khai thác về khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: P.V
Người làm truyền thông cùng thảo luận những chủ đề có thể khai thác về khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: P.V

“Ngày nay, chúng ta thật sự cần giao tiếp nhiều hơn giữa người làm truyền thông và các startup. Suy cho cùng, startup hay người làm truyền thông cũng chỉ là người đi buôn. Một bên là khởi nghiệp sản phẩm còn một bên là khởi nghiệp nội dung. Và chính vì thế, giữa startup và người làm truyền thông sẽ là mối quan hệ hợp tác, đôi bên đều có lợi” - nhà báo Hoàng Quốc Lê khẳng định.

Nhà báo Hoàng Quốc Lê cũng cho rằng, những người làm truyền thông cần phải phân rõ độc giả là ai: học sinh, sinh viên, các startup... và cũng phải viết sao cho phù hợp với địa phương của mình chứ đừng mang những câu chuyện xa vời để bắt theo phong trào, cũng như khó định hướng được cho các nhóm dự án tại địa bàn.

Cần sự tương tác

Tại hội thảo, bà Trần Bích Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học công nghệ - Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Phú Thọ cho rằng, vai trò chủ động của truyền thông cần được đánh giá cao. Chúng ta những năm vừa rồi đề cập đến truyền thông cho những câu chuyện startup nhưng đồng thời cũng cần thông tin về các quỹ hỗ trợ, cơ chế chính sách, hướng dẫn thủ tục, cố vấn chiến lược... Bên cạnh đó, cũng cần triển khai các khóa đào tạo truyền thông cho địa phương vì hiện nay người làm truyền thông về startup, mà đặc biệt là tại các địa phương, thường bị thiếu hụt kiến thức về khởi nghiệp nên dễ bị truyền thông sai, truyền thông chưa đi vào cốt lõi, dẫn đến chỉ nói được câu chuyện bề nổi, tạo nên các “phong trào ảo” cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Việt An - phụ trách quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án 844 cho rằng người làm truyền thông và startup cần tương tác, hỗ trợ nhau để phát huy hiệu quả. Ảnh: P.V
Ông Nguyễn Việt An - phụ trách quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án 844 cho rằng người làm truyền thông và startup cần tương tác, hỗ trợ nhau để phát huy hiệu quả. Ảnh: P.V

Hội thảo cũng có sự góp mặt của đại diện 3 startup: Cam Vinh Kỳ Yến, Ella Study Vietnam và Lala Land. Các startup đã có cơ hội chia sẻ sản phẩm của mình với báo chí cũng như thể hiện góc nhìn trong việc kết nối với truyền thông. Trong đó, anh Nguyễn Duy đến từ Ella Study Vietnam - startup với nền tảng trực tuyến giúp kết nối học viên với du học sinh và các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước, chia sẻ rằng truyền thông như “một con dao hai lưỡi”, đặc biệt là với các sản phẩm chưa tạo ra những giá trị đích thực và nguồn lực chưa đáp ứng được cho mức độ tăng trưởng.

Đồng quan điểm này, từ góc độ người nhiều năm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương, ông Nguyễn Xuân Trung - Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An cho rằng, các startup rất e ngại truyền thông. Nguyên nhân chính là bởi các đài truyền hình, báo địa phương thường khiến câu chuyện về dự án bị “thổi phồng” để nâng giá trị startup lên và cũng có những trường hợp doanh nghiệp lo sợ bị lộ bí quyết kinh doanh.

Ở góc độ người làm công tác quản lý, hỗ trợ triển khai phong trào khởi nghiệp, ông Nguyễn Việt An cho biết, Đề án 844 mong muốn rằng thông qua các chương trình đào tạo, kết nối mạng lưới, chúng ta có thể tìm ra những phương thức truyền thông cho các doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả. Đồng thời tăng cường hàm lượng chuyên sâu và tính đa dạng cho các nội dung giai đoạn tới. Đặc biệt là phải tích cực tương tác giữa người làm truyền thông và startup, vừa góp phần đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước đi vào thực chất, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình vươn ra quốc tế của doanh nghiệp Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mối quan hệ giữa startup và truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO