Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Hội An - Nhật Bản

ĐỖ HUẤN 04/08/2023 09:53

(QNO) - Hội An là nơi ghi dấu ấn mối quan hệ ngoại giao và hợp tác, hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đó ở Hội An đã có từ lâu đời, với mối lương duyên của Công nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản - Araki Sotaro cách đây hơn 400 năm và đang tiếp tục được vun đắp, thúc đẩy trong thời hội nhập và phát triển mới.

Đại diện lãnh đạo VP JICA tại Việt Nam, Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An thực hiện nghi thức khởi công Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu.
Đại diện lãnh đạo VP JICA tại Việt Nam, Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An thực hiện nghi thức khởi công Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu được TP.Hội An tổ chức khởi công vào cuối năm 2022 và đang được triển khai thực hiện từng bước hết sức thận trọng, kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị liên quan. Chùa Cầu còn có tên gọi là cầu Nhật Bản (nghĩa là cầu của người Nhật Bản), hay Lai Viễn Kiều do Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt năm 1719 tức là cầu của người phương xa đến.

Quá trình triển khai dự án đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ quý báu của các cấp thẩm quyền ở trung ương, ở tỉnh cùng sự chung tay góp sức của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, dự án đã nhận được sự tài trợ về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ Tổ chức JICA Nhật Bản.

Ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nói rằng: “Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng rằng Chùa Cầu - biểu tượng của lịch sử giao lưu Việt - Nhật, được tu bổ thành công sẽ là bước ngoặt lớn, giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn, và công trình này sẽ trở thành "cầu nối" thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản nói chung, và giữa TP.Hội An và Nhật Bản nói riêng”.

Mô hình Châu Ấn thuyền trong Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản tại Hội An.
Mô hình Châu Ấn thuyền trong Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Hội An.

Hơn 20 năm qua, JICA đã và đang tích cực hỗ trợ một cách liên tục và đa dạng đối với việc bảo tồn phố cổ Hội An. Kết quả của sự hợp tác lâu dài này là việc tu bổ các công trình kiến trúc truyền thống và bảo tồn toàn bộ các dãy phố của khu vực phố cổ đều đã được tiến hành một cách thuận lợi.

Ngoài ra, JICA đã thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại nhằm cải thiện chất lượng nước và môi trường vệ sinh tại khu vực Chùa Cầu.

Cạnh đó, cũng hiếm có nơi nào trong nước tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động của Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản như ở Hội An. Toàn bộ không gian được tái hiện trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố cho biết, vào tháng 11 năm 2017, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam, Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đã được khai trương, góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và các tổ chức, địa phương của Nhật Bản nói riêng, giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản nói chung.

“Từ đó đến nay, Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản được duy trì và phát huy với nhiều hoạt động thú vị, đặc sắc, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi năm” - ông Sơn nói.

Đại diện Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng lãnh đạo TP.Hội An thực hiện nghi thức khai trường Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản tại phố cổ Hội An.
Đại diện Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng lãnh đạo TP.Hội An thực hiện nghi thức khai trường Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản tại phố cổ Hội An.

Điểm nhấn nổi bật của không gian là cổng chào, biểu tượng và mô hình Châu Ấn thuyền do thành phố Nagasaki - Nhật Bản tặng. Đây là mô hình con thuyền mà thời trung đại (thế kỷ 16 - 17) các thương nhân Nagasaki (Nhật Bản) dùng để qua lại, giao thương tại thương cảng Hội An.

Theo ngài Watanabe Shige - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Hội An là địa điểm ghi dấu mối giao lưu giữa lãnh đạo cấp cao Nhật Bản và Việt Nam nhưng không chỉ dừng lại ở đó… “Dù đã trải qua hơn 400 năm nhưng đến nay, câu chuyện về thương nhân Araki Sotaro tiến hành giao thương bằng Châu Ấn thuyền vào thế kỷ 17 và Công nữ Ngọc Hoa thời Chúa Nguyễn vẫn được nhắc tới trong “Sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” và trong một phân cảnh của lễ hội “Nagasaki Kunchi” được tái hiện 7 năm một lần” - ngài Watanabe cho biết.

Du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa tại Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản tại Hội An.
Du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa tại Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản tại Hội An.

Trong không gian này, tháng 8/2022 nhân những ngày “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ 18, TP.Hội An đã khai trương Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản. Nơi này trưng bày và giới thiệu về lịch sử, văn hóa - du lịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các địa phương Nhật Bản có mối quan hệ giao lưu mật thiết với tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An như Nagasaki, Sakai, Matsusaka…; tổ chức không gian trình diễn, trải nghiệm các sinh hoạt, sản phẩm văn hóa đặc sắc của Nhật Bản…

Nhà trưng bày văn hóa Nhật Bản đã được thành phố đưa vào tuyến tham quan, thu hút đông đảo du khách đến Hội An.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Hội An - Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO