Một mối tình cha mẹ xe duyên không thành, sau bao năm ly tán bởi chiến tranh, họ lại có nhau, cùng nương tựa lúc tuổi già, truyền nghị lực để đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đó là chuyện tình hiếm có giữa ông Trần Ngọc Thơ và bà Võ Thị Tuyết. Cả hai nay tuổi đã xấp xỉ 70, quê Quế Sơn, hiện sống tại phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông.
Có nhau sau 40 năm
Bà quê Sơn Thượng nay là xã Quế Long, ông ở xã Phú Thọ (Quế Sơn). Cha mẹ hai bên xưa kia vốn hẹn ước làm sui gia và đã dự liệu đám cưới cho ông bà. Đám cưới chưa kịp tổ chức thì một ngày của năm 1963, ông Thơ được gọi lên xã rồi bất ngờ bị bắt lính đưa vào Quảng Đức (Đắk Nông bây giờ). Cha ông Thơ vào thăm con trai, khi trở về quê báo với nhà bà Tuyết rằng con trai mình đã có vợ. Ông nội bà Tuyết lúc đó bảo với cháu: “Thôi con còn trẻ, lấy chồng khác đi, đừng chờ đợi gì”. Trên mảnh đất ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản này, từ năm 16 tuổi bà Tuyết đã tham gia cách mạng. Bây giờ không vương vấn tình riêng, bà càng hết mình tham gia “Đội công tác mặt trước”, bất chấp hiểm nguy mà đi. Bà bị bắt nhiều lần, bị tra tấn bằng điện, đóng đinh vào tay… Bà còn nhớ một lần bị địch bắt tưởng đã “tiêu” rồi, nhưng được một cảnh sát trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa là người của ta cài vào cứu sống. Quê hương giải phóng. Năm 1979, khi đã lớn tuổi, gia đình giục giã, bà lấy chồng. Cuộc hôn nhân do thúc ép, không có tình yêu, sinh được 4 người con nhưng không hợp với chồng nên bà chia tay và sống một mình.
Vợ chồng ông bà Trần Ngọc Thơ. Ảnh: HỒNG VÂN |
Năm 2003, bà Tuyết dẫn con gái út vào Đăk Nông thăm con trai đang làm ăn ở đây và tình cờ gặp lại ông Thơ. Họ nhận ra nhau. Bà thương ông nhưng vẫn còn rất giận. Không phải giận vì việc ông bỏ rơi bà, đó là tình riêng. Bà giận vì sao thống nhất rồi mà ông cứ lang thang mãi xứ người, không chịu về quê quán gặp họ hàng, người thân. Ông giải thích là mặc cảm khi nhà ông ở quê ai cũng tham gia cách mạng. Bà động viên mãi, ông mới dám về quê một lần. Khi đó hoàn cảnh ông rất tội nghiệp. Vợ bỏ đi đã mấy năm, con mỗi đứa mỗi nơi, ông bệnh tật liên miên mưu sinh bằng nghề bán vé số, sống trong căn nhà nhỏ quây lợp bằng vài tấm tôn tạm bợ. Ông bảo bà hãy thương mà ở lại với ông. Bà cầm lòng không đặng. Vậy là bà không về quê nữa mà ở lại làm nghề bán vé số để nuôi mình và nuôi ông. Có lẽ đây là gia đình đặc biệt nhất thị xã Gia Nghĩa khi một người theo kháng chiến và một ông lính chế độ cũ yêu thương đùm bọc nhau, vừa là vợ chồng, vừa là tri kỷ.
Ban đầu con cái hai bên không đồng ý, nhất là các con bà Tuyết. Nhưng đến nay, bà đã làm cho hai gia đình hòa nhập thành một. Ba người con của ông và bốn người con của bà đã hòa thuận như anh em cùng cha cùng mẹ. Vài năm sau, bà làm lụng chắt bóp được 17 triệu đồng xây lại căn nhà. Ông bà sống hiền lành, vì vậy mọi người xung quanh đều yêu quý, giúp đỡ tận tình. Ông bị bệnh, tiền nằm viện đến hơn 20 triệu đồng, một khoản quá lớn với ông bà, trong khi các con cũng không dư dả gì, cũng may các bác sĩ bệnh viện thương nên đã điều trị miễn phí. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông cũng thường xuyên cử cán bộ thăm hỏi, tặng quà các dịp lễ, tết; quan tâm hỗ trợ cuộc sống của ông bà. Bằng Huân chương Kháng chiến của bà bị vỡ khung, cũng chính các anh đem khung mới đến thay. Có lần bà bị ngộ độc nặng, may nhờ bác sĩ ở Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông chạy chữa tận tình đưa bà trở lại cuộc sống.
Người làm sống lại trận Bu Prăng
Suốt ngày đôi chân bà Võ Thị Tuyết rong ruổi làng trên ngõ dưới bán từng tờ vé số kiếm sống, rồi tranh thủ về lo cơm nước, giặt giũ cho chồng bệnh tật. Vất vả là vậy nhưng bà achưa bao giờ bi quan, chán nản. Có lẽ chất cách mạng của quê hương hun đúc, tiếp lửa hay chính lòng nhân ái phi thường của người phụ nữ Quảng Nam đã làm cho niềm tin cuộc sống của bà luôn sáng tươi như những vạt cúc quỳ nở rộ trên miền đất đỏ bazan mà bà đang gắn bó. |
Ông Thơ kể rằng ngày mới bị bắt lính ông làm ở văn phòng, sau chúng thấy ông bất hợp tác nên đẩy ra đồn Bu Prăng làm lính tác chiến. Đồn Bu Prăng đóng ở Tuy Đức do Mỹ cùng quân đội Sài Gòn xây dựng nằm án ngữ trên tuyến hành lang tiếp giáp giữa nam Tây Nguyên với Bình Phước, gần biên giới Việt Nam - Campuchia. Theo lời kể của ông Thơ, ở trận đánh đêm 28 sáng 29.12.1965, bộ đội ta chuẩn bị tấn công thì bị lộ. Máy bay và hỏa lực địch phản kích, khiến bộ đội hy sinh rất nhiều. Địch đã dã man dùng máy ủi, đào thành nhiều hố rồi vùi lấp chiến sĩ ta hy sinh.
Một ngày cuối năm 2008 có một số cựu chiến binh đến nhà ông hỏi về trận đánh đồn Bu Prăng. Ông kể hết những gì mình biết, nhưng không hé lộ mình từng tham gia trận chiến. Biết chuyện, tối đó bà Tuyết phân tích cho ông hiểu được sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, về những thanh niên con em miền Bắc gác bút nghiên chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Hoàn cảnh chiến tranh buộc ông và anh em phải cầm súng đánh nhau, bây giờ ông phải làm điều có ích để lương tâm thanh thản. Cuối cùng, ông cũng đồng ý làm người dẫn đường tìm hài cốt liệt sĩ - những người đã ngã xuống trong trận đánh đồn Bu Prăng.
Với lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông, sau nhiều năm tìm kiếm vô vọng thì câu chuyện của ông Thơ, một nhân chứng sống, là nguồn tin vô cùng quý giá. Sau khi xác minh, lập hồ sơ, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lập tức lên đường. Họ trở lại địa danh Bu Prăng của một thời ác liệt. Với sự chỉ dẫn chính xác của ông Thơ, đợt đầu tiên, Đội quy tập đã tìm thấy 68 hài cốt với nhiều di vật. Như một sự đồng vọng, mách bảo linh thiêng, đúng vào hôm làm lễ cải táng các liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông bất ngờ nhận được thông tin quý giá của cựu chiến binh Dương Văn Dùng (ở Hà Nội) cho biết phiên hiệu đơn vị đánh vào đồn Bu Prăng năm xưa là Tiểu đoàn Bộ binh 840, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phước Long thuộc Quân khu 6 (cũ).
Sau này ông Thơ còn nhiều lần theo Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông đi quy tập hài cốt liệt sĩ ở Bu Prăng. Ông được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông khen thưởng về thành tích tìm kiếm mộ liệt sĩ. Mang 3 căn bệnh nặng trong người, nhưng ông Trần Ngọc Thơ nói rằng chừng nào ông còn minh mẫn, nếu bộ đội cần, ông sẵn sàng lên đường tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở đồn Bu Prăng vì vẫn còn nhiều bộ đội hy sinh ở đó.
HỒNG VÂN