Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, khai thác thiếu bền vững nguồn tài nguyên, mất cân đối nguồn thu của địa phương để tái đầu tư... khiến môi trường kinh doanh du lịch ở Hội An có nguy cơ “xộc xệch”.
Dịch vụ bơi thuyền thúng ở Cẩm Thanh được du khách ưa thích. Ảnh: KHÁNH LINH |
Mạnh ai nấy bán
Kết quả một đợt khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An gần đây cho biết, thu nhập từ các hoạt động du lịch ở Cù Lao Chàm khi chưa triển khai phương án bán vé tham quan bị mất cân đối và có sự chênh lệch đến không ngờ. Số tiền thuộc về các doanh nghiệp chiếm khoảng 88%, địa phương chỉ hưởng 12%, nhưng số tiền các doanh nghiệp chi trả cho cư dân trên đảo thông qua các dịch vụ phục vụ cũng không đáng kể. Từ khi thực hiện phương án đến nay, tình trạng đã được khắc phục một phần nhưng cũng chưa đáng là bao vì có những thiệt hại chưa thể tính cụ thể, rõ ràng được. Chẳng hạn như sự hủy hoại, tận diệt dù vô tình về nguồn lợi lâm, hải sản và các tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, đặc trưng khác (rau rừng, cua đá, bào ngư, san hô...) do khai thác phục vụ.
Theo ý kiến của một số cán bộ các ngành chức năng và Ban Quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm, có được Cù Lao Chàm với những giá trị quý hiếm về hệ sinh thái đa dạng trên rừng dưới biển, môi trường xanh - sạch, nếp sống người dân thân thiện, gần gũi ngày càng thu hút du khách như hôm nay, điều tiên quyết cần nói đến là vai trò và sự nỗ lực của cộng đồng dân cư liên tục nhiều năm qua. Ví như không có bà con ngư dân và các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, sẵn sàng ứng phó thì làm sao ngăn chặn và đẩy lùi nạn đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, xung điện mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản ở vùng biển này. Cù Lao Chàm được biết đến là nơi duy nhất trong cả nước “nói không với túi nilon”, tạo sức hút với du khách cũng nhờ từ công sức của nhân dân… Đã vậy, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức kinh doanh còn “tự giết” lẫn nhau do tình trạng phá giá để tranh giành, chụp giựt khách cho riêng mình.
Để đảm bảo chất lượng phục vụ, đồng thời gắn kết hài hòa với bảo tồn các giá trị tài nguyên nhân văn, sinh thái của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, thành phố quy định không cho tàu, ca nô “quay đầu” đón khách, tức là chỉ đi vận chuyển 1 chuyến để khống chế lượng khách ra đảo (không quá 3.000 người/ngày). Có ngày, chính quyền và các ngành chức năng chấp nhận từ chối phục vụ 700 - 800 khách. Như vậy là cung không đủ cầu, mà cung không đủ cầu thì giá phải tăng. Nhưng không hiểu sao vẫn có những doanh nghiệp phá giá, mỗi tour là 450 nghìn đồng (giá trong năm vừa qua, đã bao gồm các dịch vụ cơ bản) nhưng có doanh nghiệp vẫn bán với giá từ 300 nghìn đến 350 nghìn đồng. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Cái dở hiện nay ở Hội An chính là chúng ta giết chúng ta. Quy luật là khi anh tự hạ tiêu chuẩn của anh, tự thu hút khách rẻ tiền thì lúc bấy giờ khách có tiền sẽ xa rời anh. Mình nên bán đúng giá trị sản phẩm và dịch vụ của mình chứ đừng chạy theo lợi nhuận mà phá giá, được lợi hôm nay mà sau này lãnh đủ. Hội An rất lo chuyện này!”.
Thiếu liên kết
Ở xã Cẩm Thanh cũng vậy. Là địa phương đang khởi sắc ngành du lịch sinh thái nhờ rừng dừa nước vùng ngập mặn và sông lạch đặc trưng nơi “cửa sông ven biển” nên hiện có nhiều doanh nghiệp và đối tượng kinh doanh du lịch tham gia khai thác dịch vụ tại đây nhưng cũng chưa có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp gì với địa phương. Thậm chí, không ít đơn vị, cá nhân tùy tiện dẫn khách đến, câu kết với “cò mồi” thỏa thuận đủ kiểu và mức giá khác nhau mà chính quyền địa phương chưa thể kiểm soát được. Từ đó mới phát sinh hiện tượng tiêu cực và gây mất cảnh quan sinh thái, nếp sống hiền hậu chân tình và trật tự an toàn ở vùng quê sông nước này. Một lãnh đạo xã chia sẻ, địa phương đang chờ tỉnh và thành phố thông qua phương án bán vé tham quan rừng dừa Bảy Mẫu và nội vùng Cẩm Thanh cũng như phê duyệt quy chế quản lý hoạt động du lịch để sớm triển khai thực hiện, đảm bảo công bằng, hài hòa lợi ích của các thành phần tham gia khai thác du lịch tại địa bàn và chấn chỉnh tình trạng kinh doanh tự phát, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và cuộc sống của nhân dân.
Hay như trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú ở Hội An cũng xảy ra tình trạng “tự giết” tương tự. Số lượng khách sạn, biệt thự, homestay ở Hội An có đủ các hạng sao, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách, phòng ốc được thiết kế, trang trí đẹp, loại hình và dịch vụ du lịch khá đa dạng (văn hóa, kiến trúc, sinh thái làng quê, biển đảo, dịch vụ may “nóng”, lồng đèn, da giày, ẩm thực…), rồi hệ thống điểm tham quan phong phú (với các làng nghề truyền thống, có khu phố cổ, Cù Lao Chàm…) thế nhưng các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh mặc nhiên để “cò mồi” tự tung tự tác, bán sản phẩm với đủ kiểu giá. Giá chuẩn của homestay là 300 nghìn đồng/phòng nhưng không ít trường hợp chỉ bán có 100 nghìn đồng.
Không thể chấp nhận và để tiếp diễn thực trạng đáng lo ngại này nếu Hội An muốn nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, bảo đảm uy tín thương hiệu, phát triển bền vững và lâu dài ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt của các vùng miền trên cả nước. Theo ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, đây là bài toán kinh tế. “Các doanh nghiệp ở Hội An bây giờ phải liên kết trở lại. Tính liên kết sẽ tạo ra sức mạnh nhưng Hội An chưa tạo được sức mạnh này mà mỗi người làm theo mỗi kiểu, mạnh ai nấy làm. Tôi nói trong bài toán kinh tế, tính liên kết tạo ra lợi ích, giống như đi chung trên một con thuyền vậy. Phải làm những điều đó để giải quyết bài toán kinh tế” - ông Sự khẳng định.
ĐỖ HUẤN