Nói đến môi trường và sản phẩm du lịch là liên quan đến bản sắc của một vùng đất mà du khách tìm đến.
Tôi quan sát việc sử dụng vật liệu trang trí, dụng cụ dùng cho khách tại nhiều khách sạn ở Đà Nẵng, Hội An và thấy rằng: Đến ở tại các cơ sở lưu trú này, du khách khó mà tìm thấy đặc trưng vùng đất của nơi họ đến trong các vật trang trí và đồ dùng. Từ những chiếc giỏ nhựa đựng rác, những chiếc đĩa tráng men đựng trái cây hoặc đồ dụng vệ sinh trong các toa lét đều không thấy bóng dáng đặc trưng. Còn những bức tranh trên tường thường là những phiên bản tranh trong các bảo tàng. Tại sao không làm những chiếc giỏ đựng rác, những tấm thảm chùi chân bằng chính cây lát ở làng dệt chiếu Bàn Thạch hoặc đan bằng lá dừa nước của Cẩm Thanh hay bằng tre của nông dân ven sông Cẩm Lệ, Cầu Đỏ, Điện Bàn? Tại sao không dùng những vỏ ốc lớn thay cho các đĩa men đựng dụng cụ và đồ dùng vệ sinh? Tại sao không có những bức tranh vẽ về Ngũ Hành Sơn, về biển, về các đường quê xứ Quảng, về các làng chài, hay các bức ảnh về voọc chà vá của Sơn Trà, rùa biển của Cù Lao Chàm? Thậm chí cái gạt tàn thuốc lá cũng có thể làm từ các ống tre sẽ gợi cho du khách nhiều cảm xúc...
Tất cả những thứ tưởng vặt vãnh đó nhưng lại tạo cho du khách có cảm giác họ đang sống trong một không gian thật sự của Đà Nẵng, Hội An chứ không phải là không gian vay mượn, sao chép từ nơi khác.
Còn một điều nữa về du lịch Đà Nẵng: Hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Thái và tiếng Nga đang thiếu vắng. Từ 10 năm nay, đây là hai thị trường du khách mà các địa phương hướng tới với nhiều tour bằng đường không và đường bộ. Vài trăm ngàn du khách Thái mỗi năm theo đường liên Á sẽ đẩy nhanh lượng du khách đến với vùng biển đẹp miền Trung, họ cần người hướng dẫn biết tiếng Thái hơn là tiếng Anh vì đa số họ thuộc các tỉnh đông bắc Thái, tuy có thu nhập khá nhưng trình độ tiếng Anh thì khá thấp. Trong lúc du khách Nga tuy ít hơn nhưng họ đi theo từng nhóm gia đình và khả năng tiêu tiền lớn nên sẽ có một nhu cầu mua sắm, dịch vụ đa dạng. Đó cũng là thực tế mà nhiều khách sạn đã biết. Nhưng chính người Nga khi đến đây cũng chưa hài lòng vì không có người giỏi tiếng Nga làm hướng dẫn...
Nhà báo Thomas Friedman trong cuốn “Chiếc Lexus và cây ô liu” có một nhận xét rất hay: trước đây người ta hay nói với nhau đời mình thế là sướng hơn đời ông cha của mình quá rồi! Cách suy nghĩ đó ngày nay là lạc hậu. Nhờ công nghệ thông tin và truyền thông phát triển, ngày nay người ta không thể so sánh với quá khứ như vậy nữa, mà đối chiếu với thế giới chung quanh để biết mình đang ở đâu. Trong lĩnh vực du lịch, có lẽ điều này rất đúng. Không thể nói bây giờ ngành du lịch của ta phát triển hơn 20 năm trước quá nhiều, mà phải hỏi các nước làm du lịch hơn ta họ đã làm như thế nào để vừa bảo vệ nền văn hóa đặc trưng của họ, đồng thời thu hút du khách.