Bảo vệ đê và rừng ngập mặn

VĂN PHIN 05/08/2022 09:43

Trước biến đổi bất thường của khí hậu, những năm gần đây, hệ thống đê ngăn mặn và rừng ngập mặn ở xã Tam Hòa (Núi Thành) bị đe dọa nghiêm trọng. Địa phương đang đề xuất nhiều giải pháp để ứng phó trong thời gian đến.

Hồi sinh cây ngập mặn ở Tam Hòa. Ảnh: VĂN PHIN
Hồi sinh cây ngập mặn ở Tam Hòa. Ảnh: VĂN PHIN

Tam Hòa là xã vùng cát có tổng diện tích tự nhiên 2.384ha được bao bọc bởi 2 nhánh của sông Trường Giang. Toàn xã có 2.500 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông - ngư nghiệp. Tuyến đê ngăn mặn đi qua địa bàn 5 thôn với tổng chiều dài 15km hàng chục năm qua đã phát huy hiệu quả ngăn mặn xâm nhập đồng ruộng, ngăn nước lũ vào mùa đông và là tuyến giao thông quan trọng của xã và các vùng lân cận.

Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu, triều cường, nước biển dâng, bão lũ đã làm tuyến đê biển sạt lở.

Ông Trương Công Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết: “Cùng với tác động của thiên nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản đã làm diện tích rừng phòng hộ tự nhiên hẹp dần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống đê bao.

Trước tình trạng xói mòn, sạt lở của tuyến đê bao ngày càng phức tạp, hệ thống đê thường xuyên bị uy hiếp vào mùa đông, UBND xã Tam Hòa áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ đê và phát triển rừng ngập mặn”.

Từ năm 2020 đến nay, từ nguồn kinh phí phòng chống thiên tai và các nguồn huy động khác, xã Tam Hòa đã xây dựng đoạn kè chống sạt lở tại đoạn đê bao thôn Bình An dài 150m với kinh phí 300 triệu đồng; gia cố tuyến kè đê Xuân Tân với kinh phí 1 tỷ đồng và gia cố các tuyến đê bị sạt lở với tổng kinh phí 500 triệu đồng.

Xã huy động trong nhân dân hàng trăm ngày công để khắc phục các vị trí đê bị sạt lở; vận động người dân hưởng ứng phong trào trồng và khôi phục rừng ngập mặn phòng hộ ven đê, các bãi bồi ven sông.

Riêng 2 năm (2019 & 2020), xã Tam Hòa trồng được 19ha rừng; trong đó rừng ngập mặn được trồng mới phát huy chức năng phòng hộ, chắn sóng, hạn chế xói lở, bảo vệ người dân và các công trình trước gió bão.

Theo ông Võ Thanh Lạc - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hòa, địa phương xác định việc nâng cao nhận thức cộng đồng, lấy người dân làm chủ thể trong công tác bảo vệ đê điều và phát triển rừng ngập mặn, nên ngay sau khi hoàn thành công trình đê bao tại Tam Hòa, UBND xã đã giao lại cho thôn, tổ đoàn kết và người dân quản lý, bảo vệ.

“Trước tác động của biến đổi khí hậu, việc đảm bảo an toàn đê biển và bảo vệ phát triển rừng ngập mặn là hết sức cấp bách. UBND xã Tam Hòa kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kè, đê biển, sửa chữa, nâng cấp đê ngăn mặn để bảo vệ tính mạng, tài sản và sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Địa phương cũng kiến nghị các cấp chính quyền, các tổ chức bảo vệ môi trường tiếp tục đầu tư trồng mới rừng ngập mặn như mắm, đước, bần… ven sông, biển để vừa nâng cao năng lực phòng chống thiên tai vừa tạo lá phổi xanh cho cộng đồng dân cư vùng cát” - ông Trương Công Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo vệ đê và rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO