Chuyển nhượng CO2 giảm phát thải từ rừng

TRẦN HỮU 10/11/2021 07:22

Ngành nông nghiệp vừa đạt được thỏa thuận chuyển nhượng hơn 5,1 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026, nhân chuyến Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc.

Khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng người dân trồng dược liệu dưới tán rừng. TRONG ẢNH: Đồng bào Cơ Tu của huyện Tây Giang trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Hồ Quân
Khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng người dân trồng dược liệu dưới tán rừng. TRONG ẢNH: Đồng bào Cơ Tu của huyện Tây Giang trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Hồ Quân

Cụ thể hai bên tham gia ký kết Ý định thư là Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF), với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Giám đốc điều hành Emergent là ông Eron Bloomgarden.

Với Ý định thư này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent hơn 5,1 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026. Đổi lại, Emergent sẽ thanh toán với giá tối thiểu 10 USD/tấn CO2 (tổng giá trị tương đương 51,5 triệu USD). Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên toàn cầu ký Ý định thư với LEAF/Emergent.

“Với việc ký kết Ý định thư sẽ là cơ hội lớn cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên góp phần tích hợp giá trị của rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững, cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Các chuyên gia lâm nghiệp đánh giá, Ý định thư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, đồng thời mở ra cơ hội hiện thực hóa việc triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng. Lợi ích trước mắt lẫn lâu dài là góp phần tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất rừng trồng.

Dịch vụ các-bon rừng không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường bền lâu. Tại các cánh rừng miền núi sẽ được cải thiện đáng kể chất lượng hệ sinh thái thông qua trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu.

Sau các tỉnh Bắc Trung Bộ, Quảng Nam lại tiếp tục thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính từ rừng trên quy mô lớn, bằng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam đàm phán, ký hợp đồng đầu tư kinh doanh và bán tín chỉ các-bon từ giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua đấu thầu quốc tế. UBND tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư kiêm người mua có năng lực tài chính, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển nhượng CO2 giảm phát thải từ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO