Cộng đồng bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh

ĐỖ HUẤN 15/09/2021 09:28

Bảo tồn và sử dụng bền vững rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An) không chỉ là chuyện của riêng đơn vị hay cá nhân nào mà cần có sự đồng thuận của cả cộng đồng. Trách nhiệm và lợi ích phải được chia sẻ hợp lý để cùng phát triển.

Rừng dừa nước Cẩm Thanh là điểm du lịch trải nghiệm đời sống cư dân vùng sông nước. Ảnh: Đ.H
Rừng dừa nước Cẩm Thanh là điểm du lịch trải nghiệm đời sống cư dân vùng sông nước. Ảnh: Đ.H

Rừng dừa nước Cẩm Thanh có vai trò quan trọng và mang ý nghĩa sống còn đối với hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn (gồm vùng trung tâm Hội An, rừng ngập mặn Cửa Đại) và khu vực Cù Lao Chàm.

Cánh rừng này khoảng 300ha, trong đó khoảng 1/3 là đất và 2/3 là vùng ngập triều thuộc xã Cẩm Thanh, dừa nước mọc ven bờ các kênh lạch, quanh năm xanh tốt, tạo sinh cảnh rất đặc biệt cho Hội An.

 Hiện trạng quản lý

Với vai trò là vùng đệm, có nhiều giá trị và mối liên kết đặc biệt về sự đa dạng sinh học với vùng lõi Cù Lao Chàm, rừng dừa nước Cẩm Thanh đang được TP.Hội An lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là vùng lõi thứ hai của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

Trong đó, công tác bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

“Hiện nay, trong khu vực có nhiều chủ thể ảnh hưởng trực tiếp đến rừng dừa. Vì vậy, để giải quyết tổng thể mối quan hệ hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, nhóm cộng đồng trong hệ sinh thái rừng dừa, cần thiết phải xây dựng một kế hoạch quản lý tổng hợp” - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh Nguyễn Hùng Linh nói.

 Qua khảo sát và tìm hiểu trong các năm qua, về cây dừa đều do người dân trồng, có nghĩa cây dừa là sở hữu cá nhân, nhưng khi phát triển thành rừng, thành hệ sinh thái thì giá trị chung này thuộc về cộng đồng.

Giá trị hệ sinh thái rừng dừa bao gồm cảnh quan, nguồn lợi thủy sinh, đất tích tụ, bãi đẻ, bãi ươm con non, bãi giống, khu hệ chim di cư, hoặc những giá trị lớn hơn như khí hậu, chống xói lở, xâm nhập mặn, nơi trú ẩn tàu thuyền mùa mưa bão, và cả những giá trị lịch sử, văn hóa… được tạo dựng từ bao thế hệ con người sinh ra và lớn lên tại nơi này. Như vậy, hệ sinh thái rừng dừa nước tồn tại và phát triển là một giá trị tài sản cộng đồng gắn liền với làng quê sông nước Cẩm Thanh từ bao đời.

Ông Phạm Mèo (thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh) cho biết: “Cây dừa nước từ xưa đến nay rất có giá trị. Bảo vệ rừng dừa là bảo vệ giá trị di sản. Hệ sinh thái rừng dừa là nguồn vốn quý giá để kết nối phát triển du lịch. Tôi làm nông nghiệp hữu cơ nhưng tôi vẫn luôn kết nối với rừng dừa là vì vậy”.

Hiện trạng quản lý nguồn lợi hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh có 3 nhóm thành phần cơ bản, đang đóng vai trò quyết định đến các hoạt động, ảnh hưởng sức khỏe hệ sinh thái này, bao gồm: nhóm những người trồng cây dừa nước; nhóm những người đánh bắt, khai thác tại vùng cửa sông (bằng các nghề trũ, lờ, lưới sông, rớ… với đối tượng khai thác chính là cá, tôm, cá giống, có khoảng 40 – 50 hộ gia đình tham gia); và Ban Quản lý du lịch xã Cẩm Thanh với các chức năng bán vé tham quan, kiểm soát dịch vụ du lịch trên cạn, dưới nước…

Riêng nhóm những người trồng cây dừa nước, qua khảo sát và đo đạc hiện trường, hiện có khoảng 120 người với 146 lô cây dừa tại các khu vực: Gò Hí (trên cầu Cửa Đại), Mương Mùi, bắc Hói Phú, nam Hói Phú, Gò Già, Cồn Sóng, Mương Gành, nam sông Vạn Lăng.

Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ lợi ích

Trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm, hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa 3 nhóm đối tượng cơ bản trên, sự phát triển kinh tế du lịch ở rừng dừa Cẩm Thanh những năm gần đây và hiện nay có thêm 3 nhóm đối tượng tiếp theo là: doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn và những thuyền thúng du lịch cùng tham gia (với hơn 1.000 chiếc vào thời cao điểm du lịch).

Và kèm theo rộng hơn là các nhóm gồm: du khách, người phục vụ du lịch, người bán hàng rong, người dẫn tour, người nuôi trồng thủy sản, người ngoài địa phương đến hành nghề dịch vụ, đánh bắt tôm cá…

Tất cả đối tượng này đều phải cùng chia sẻ trách nhiệm và hưởng lợi đối với giá trị hệ sinh thái rừng dừa nước. Là người làm dịch vụ thuyền thúng phục vụ du khách những năm qua, bà Lê Thị Hương (ở Gò Hý, thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh) bộc bạch: “Cây dừa trong chiến tranh là nơi nuôi giấu, chở che cho cán bộ cách mạng. Còn bây giờ nhờ có du lịch trong rừng dừa, nhờ có dịch vụ thuyền thúng nên đời sống kinh tế của nhân dân chúng tôi đã ổn định rất nhiều”.

Còn anh Đoàn Hữu Tài – doanh nhân trẻ điều hành doanh nghiệp “Dòng sông nhỏ” thì quan tâm đến lợi ích, thu nhập. “Khi khai thác du lịch thì phải hỗ trợ cho bên người trồng và quản lý, bảo tồn rừng dừa. Một phần để khai thác làm du lịch, một phần để khai thác làm ra các sản phẩm như nhà tranh – tre – dừa nước, một phần để người dân chăm sóc hằng ngày thì mới có hệ sinh thái rừng dừa tốt” - anh Tài chia sẻ

Trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng với sự quản lý, điều hành của Nhà nước là hướng đi phù hợp, đúng đắn để bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước xã Cẩm Thanh. Nếu một cá nhân nào hoặc bộ phận cư dân dù chỉ số ít trong những nhóm đối tượng này có thái độ ứng xử sai lệch giữa sử dụng và bảo vệ, không hợp tác bảo tồn, hỗ trợ chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan thì sẽ gây nguy cơ làm tổn thương hệ sinh thái rừng dừa nước, xâm hại cảnh quan và tài nguyên đa dạng sinh học vùng “cửa sông ven biển” này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng đồng bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO