Đại Lộc thích ứng với biến đổi khí hậu

HOÀNG LIÊN 23/09/2021 06:39

Là địa phương chịu ảnh hưởng và tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH), trong xây dựng nông thôn mới, huyện Đại Lộc nỗ lực triển khai các giải pháp thích ứng, giảm thiểu rủi ro, tổn thất do BĐKH gây ra.

Nhiều hồ đập tại Đại Lộc bị khô nước không đảm bảo tưới vụ hè thu. Ảnh: H.L
Nhiều hồ đập tại Đại Lộc bị khô nước không đảm bảo tưới vụ hè thu. Ảnh: H.L

Đại Hồng là xã chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của BĐKH. Cao điểm mùa nắng hạn, từ tháng 6 tới tháng 9 hằng năm, nhiều thôn trên địa bàn xã thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước uống lẫn nước sinh hoạt khiến đời sống, sinh hoạt của người dân gặp khó. Điển hình, tại khu dân cư Khe Hóc, gò Mồ Côi (thôn Phước Lâm), cứ mỗi mùa nắng hạn, đời sống người dân bị đảo lộn khi cả nguồn nước ngầm và nước mặt đều bị suy kiệt.

Ông Nguyễn Tuấn Khương (một người dân Khe Hóc) cho biết: “Tình trạng thiếu nước uống lẫn nước sinh hoạt vào mùa nắng hạn đã xảy ra ở đây mấy năm qua, toàn bộ nguồn nước Khe Lim và hồ đập bị cạn kiệt hết. Tôi và 5 - 6 gia đình bỏ tiền kéo đường ống từ khe suối rất xa về nhà với chi phí mỗi gia đình tới 4 - 5 triệu đồng, khó lại chồng khó nhưng nếu con suối này cũng cạn thì không biết lấy nước đâu sử dụng”.

Đáng báo động, vụ hè thu 2021, toàn bộ vùng sản xuất lúa nước của Đại Hồng bị “đứng bánh” khi không có nước để tổ chức sản xuất. Các hồ đập Cây Xoay, Khe Bò, Ngọc Kinh bị khô cạn trơ đáy khiến 44ha lúa phải bỏ hoang, nhiều vùng trồng cây màu bị ảnh hưởng năng suất do khô hạn đến đỉnh điểm.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát vùng sạt lở tại Đại Lộc. Ảnh: H.L
Lãnh đạo tỉnh khảo sát vùng sạt lở tại Đại Lộc. Ảnh: H.L

Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, vụ hè thu 2021, thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài, nhiều công trình hồ chứa nước phục vụ sản xuất bị khô cạn do không có nguồn tiếp nước. Không chỉ ở Đại Hồng, các hồ chứa nước, đập dâng, khe suối dọc theo dãy núi Sơn Gà của xã Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Đồng, mực nước xuống thấp, ảnh hưởng tới khoảng 100ha sản xuất lúa do không đủ cấp nước nên gieo sạ muộn hơn so với lịch thời vụ.

Đến giữa vụ, nắng hạn làm cho hơn 200ha lúa bị thiệt hại năng suất từ 50 - 70%, có diện tích mất trắng. BĐKH làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trên diện rộng khi 254ha thuộc rừng tự nhiên trên địa bàn bị cháy trong năm 2021.

Riêng tháng 7.2021, nắng nóng kéo dài gây cháy 198ha rừng tự nhiên thuộc xã Đại Sơn (108ha), Đại Hưng (90ha), ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nông - lâm nghiệp của huyện...

Tình trạng sạt lở đồi núi là loại hình thiên tai mới của Đại Lộc gần đây. Nếu trước, nguy cơ này diễn ra ở phạm vi nhỏ, tính chất và mức độ ảnh hưởng ít thì mùa mưa 2020, tại thôn Tân Hà (Đại Lãnh), thôn Trường An (Đại Quang), nguy cơ sạt lở đồi núi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại và tổn thất nặng nề.

Mưa lũ làm 5 nhà dân sống dưới chân đồi Thượng Đức bị tình trạng sạt lở đất đá từ đồi núi làm sụp đổ nhà cửa, hư hại nhiều công trình thiết yếu. Hiện 4 - 5 nhà dân sống dưới chân đồi Trường An, xã Đại Quang đối diện với nguy cơ sạt lở núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO