Dỡ bẫy thú, bảo vệ động vật hoang dã

TẤN SỸ - XUÂN LAM 03/08/2022 08:40

Vườn Quốc gia Sông Thanh có hệ động vật rất phong phú và có nhiều loại thú nằm trong diện nguy cấp quý hiếm, đặc hữu cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy việc thường xuyên kiểm tra, tháo dỡ, tịch thu, tiêu hủy các loại bẫy là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số bẫy thu giữ. Ảnh: SỸ LAM
Lực lượng chức năng kiểm đếm số bẫy thu giữ. Ảnh: SỸ LAM

Với một vườn quốc gia có đến 40 thôn của 12 xã, với 5.500 hộ gia đình sinh sống ở vùng đệm… nên công tác bảo vệ động vật quý hiếm ở Vườn Quốc gia Sông Thanh gặp không ít khó khăn. Bởi, người dân sống gần rừng, phong tục tập quán săn bắt hái lượm đã in sâu vào đời sống của họ.

Ông Hiên Bai - Bí thư Chi bộ thôn Ga Lê, xã Tà Bhing (Nam Giang) cho biết: “Hồi xưa kia nhà mình sống dựa vào rừng, cũng đi săn con heo rừng, con nai về bán để mua thêm gạo, đồ ăn. Sống dựa vào rừng, nên nhà mình cũng như bà con nơi đây đều biết đi săn, đặt bẫy thú.

Nhưng giờ ai cũng hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa của việc bảo vệ động vật hoang dã nên không xâm hại rừng nữa. Hàng năm chi bộ thôn ra nghị quyết về bảo vệ động vật hoang dã và đảng viên là người gương mẫu đi đầu trong việc không đặt bẫy thú, không tác động vào rừng…

Người dân địa phương bây giờ không khai thác gỗ, không đặt bẫy thú nữa, họ còn xung phong đi tuần, đi tháo dỡ bẫy với lực lượng giữ rừng của vườn quốc gia”.

Cùng với tuyên truyền vận động, thì việc giải quyết lao động tại địa phương, hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm… được xem là cách làm hiệu quả của Vườn Quốc gia Sông Thanh.

Hiện nay, có 250 thanh niên là người Giẻ Triêng, Cơ Tu được hợp đồng tham gia lực lượng giữ rừng chuyên trách. Đã hơn 3 năm đảm nhiệm công việc đi tuần, tháo dỡ, tịch thu, tiêu hủy các loại bẫy, anh Zơ Râm Chưng đã gặp nhiều loại bẫy như: bẫy lén, bẫy sập, bẫy thòng, bẫy lùn, bẫy kẹp…

Phạm vi đặt bẫy thường rộng, ở những nơi nguy hiểm và có độ sát thương không chỉ cho các loài thú mà cho chính những người đi dỡ bẫy rất cao. Do đó, mỗi chuyến đi tuần, anh Chưng rất cẩn thận và phải vượt qua những khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Niềm vui của những người giữ rừng chính là thấy đàn thú không ngừng sinh sôi và sống yên bình nơi rừng già.

“Mỗi lần vào rừng chúng tôi hay thấy heo rừng, khỉ, mang... Trước đây mỗi lần động vật thấy mình là hắn chạy, còn bây giờ động vật thấy mình không chạy nữa, điều này cho thấy mức độ tác động vào rừng của người dân cũng hạn chế, từ đó giúp động vật rừng gần gũi với mình hơn” - anh Chưng nói.

Ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Sông Thanh cho biết: “Trong 7 tháng đầu năm, chúng tôi đã cho lực lượng tháo dỡ hơn 6.000 bẫy thú các loại. So với năm ngoái thì giảm hơn một nửa, đây là điều đáng mừng. Song với một vườn quốc gia còn non trẻ, Vườn Quốc gia Sông Thanh mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều đơn vị nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ để điều tra, giám sát các loài động thực vật nguy cấp quý hiếm”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dỡ bẫy thú, bảo vệ động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO