Gìn giữ Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa

VIỆT NGUYỄN 12/02/2021 06:01

(Xuân Tân Sửu) - Với các giá trị đặc sắc về đa dạng sinh học và địa chất, khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa (xã đảo Tam Hải, Núi Thành) sẽ được xây dựng trở thành công viên địa chất quốc gia, giúp địa phương khơi thông thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Đá trùng điệp như tuyệt tác nghệ thuật ở khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa. Ảnh: PHÒNG VH-TT NÚI THÀNH
Đá trùng điệp như tuyệt tác nghệ thuật ở khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa. Ảnh: PHÒNG VH-TT NÚI THÀNH

Giữ gìn đa dạng sinh học

Bàn Than nằm ở phía đông bắc đảo Tam Hải, có dạng mặt bàn, di tích còn lại của thềm biển cổ. Cách 400m về phía đông nam của Bàn Than là đảo Hòn Mang rộng 2ha. Đảo Hòn Dứa có diện tích hơn 11ha nằm cách Bàn Than khoảng 700m về phía đông nam. Khu vực này có những dải đá đen xếp chồng lên nhau sừng sững, những bãi cát vàng óng ả và những dải san hô trải rộng bao quanh với nhiều màu sắc rực rỡ...

Hơn ai hết, cư dân xã đảo Tam Hải biết rõ các giá trị đa dạng sinh học ở khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa. Đó là hơn 90ha rạn san hô với khoảng 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá hồng, cá mú, cá lượng cùng với tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi, rong biển và nhiều loài ốc đẹp. Có hơn 10 năm tham gia bảo tồn sinh vật biển và bảo vệ san hô, ông Nguyễn Bách Thuận (thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải) cho biết, các rạn san hô đã nuôi dưỡng nguồn giống để tạo nên hàng vạn cá thể tôm hùm giống, rong biển, các loài tôm, cá, cua, ghẹ. 

Cộng đồng dân cư trên đảo Tam Hải đã góp phần cùng các nhà khoa học, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và chính quyền địa phương bảo vệ nghiêm ngặt giá trị sinh học biển đảo. Để giảm bớt rủi ro lên hệ sinh thái quanh khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa, đầu năm 2003, UBND xã đảo Tam Hải phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia tìm hiểu giá trị của rạn san hô, làm sạch bãi biển, thành lập các tổ hạt nhân tuần tra, giám sát chấp hành quy định trong khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

Từ năm 2006 đến 2008, ngư dân địa phương đã cộng tác với các nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang trồng phục hồi được 1.300 tập đoàn san hô trên 120 giá thể nhân tạo và bề mặt nền đá gốc tại sườn đông nam Hòn Dứa, ở độ sâu 2 - 6m trong diện tích 500m2 mặt nước. Từ năm 2009 đến nay, cộng đồng cư dân xã đảo Tam Hải cùng với Hội LHPN huyện Núi Thành thực hiện dự án bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải, góp phần bảo vệ môi trường biển và bước đầu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo sự hợp tác hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu.

Tuy vậy, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở bờ biển đã tác động xấu đến đa dạng sinh học ở vùng biển Tam Hải. Nhiều loài hải sản quý có nguy cơ bị tiêu diệt, san hô suy giảm. Bởi vậy, theo ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, địa phương đang huy động các nguồn lực để thành lập Khu bảo tồn biển Tam Hải, chung tay bảo vệ các giá trị quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng. Mô hình được địa phương đề xuất là có sự tham gia giữa 4 bên gồm Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Xây dựng công viên địa chất

Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa là khu vực có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những ghềnh đá bằng phẳng, các bãi biển rộng dài, nước biển trong xanh. Đá phiến được sóng biển và gió mài mòn rất sắc nét. Trên bề mặt các ghềnh đá, thềm đá có những đường nét lạ mắt, hấp dẫn giống như các ký tự cổ, đường gân đá... Giá trị cốt lõi của của cả khu vực Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa là lớp lớp vỉa đá phiến nhô cao ra biển.

Theo PGS-TS.Ngô Văn Doanh - nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tuy cũng có màu đen như đá ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhưng đá của Bàn Than không phải là đá núi lửa mà là đá gốc có tuổi hơn 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua các đợt kiến tạo địa chất. Sở hữu hệ địa chất đa dạng và độc đáo, Bàn Than là danh thắng địa chất độc nhất vô nhị không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước.

Hồi tháng 8.2017, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị di sản địa chất tại huyện Núi Thành” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín, nhằm đánh giá giá trị di sản địa chất, văn hóa tại Núi Thành, trong đó đặc biệt nhấn mạnh giá trị địa chất, cảnh quan thiên nhiên của cụm danh thắng Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa.

Ông Huỳnh Văn Cường - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng VH-TT huyện Núi Thành cho biết, từ tháng 9.2017, khi UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, việc bảo vệ, phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa đã được thực hiện theo đúng các quy định về quản lý di sản. Đến nay, hồ sơ di tích đã được hoàn thiện, đang trình Trung ương công nhận là di tích quốc gia. Đây là cơ sở để Núi Thành phối hợp với các cơ quan của tỉnh, Trung ương lập hồ sơ, thủ tục để xây dựng công viên địa chất quốc gia, hướng đến công nhận công viên địa chất toàn cầu trong thời gian tới. 

Ông Ngô Đức An cho biết, địa phương đã có đề án phát triển du lịch đến năm 2025. Khi công viên địa chất được hình thành, sẽ là cú hích để bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên ở xã đảo Tam Hải, phát triển du lịch theo hướng cộng đồng bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gìn giữ Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO