Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước

TRẦN HỮU 25/11/2021 05:45

Bộ Tài nguyên – môi trường vừa công bố hiện trạng môi trường Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ở Quảng Nam, chất lượng nước mặt ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn dù một số khu vực bị ô nhiễm nhưng nhìn chung kiểm soát được các nguồn xả thải.

Nguồn nước sông Vu Gia - Thu Bồn bị đe dọa từ hoạt động khai thác cát trên sông. Ảnh: H.P
Nguồn nước sông Vu Gia - Thu Bồn bị đe dọa từ hoạt động khai thác cát trên sông. Ảnh: H.P

Ô nhiễm từ vùng nhạy cảm

Theo Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), trên hệ thống sông Vu Gia, đoạn sông từ Bến Giằng đến Điện Hòa (Điện Bàn), giai đoạn 2016 – 2018, nước sông bị ô nhiễm bởi các thông số dinh dưỡng và tổng chất rắn lơ lửng trong nước (TSS) vượt ngưỡng quy định. Nguồn thải chủ yếu của khu vực này là nước thải từ sinh hoạt và từ các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Đáng chú ý, tại huyện Đại Lộc có nhiều cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, phần lớn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy vậy, kết quả báo cáo quan trắc môi trường năm 2020 mới đây nhất của Sở TN-MT cho thấy, giai đoạn 2019 – 2020, mức độ ô nhiễm hữu cơ ở đoạn sông trên giảm mạnh, nước sông không còn tình trạng ô nhiễm. Nhưng tại khu vực hạ lưu, đoạn sông chảy qua khu vực Cẩm Lệ, cầu Thuận Phước (Đà Nẵng)…, mức độ ô nhiễm có xu hướng gia tăng.

Chi cục Bảo vệ môi trường đánh giá, ở hệ thống sông Vu Gia, các thông số hóa học gồm pH, DO, TSS, BOD5, COD, NH4+, PO43-, cyanua, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt và vi sinh coliform trong nguồn nước hầu hết đạt quy chuẩn. Chỉ riêng hàm lượng Fe ở sông Côn có biến động và xuất hiện ô nhiễm (vượt 1 - 1,6 lần) vào các tháng 4, 6, 8, 9, 10, 11.

Trong khi đó, báo cáo quan trắc của Bộ TN-MT cảnh báo tại khu vực đầu nguồn sông Thu Bồn, nước sông tại một vài thời điểm khá đục, có giá trị thông số TSS cao, vượt quy chuẩn chất lượng cho phép. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của hoạt động khai thác vàng (có phép và trái phép) tại các mỏ vàng ở Bồng Miêu, xã Tam Lãnh (Phú Ninh) và Phước Sơn.

Sông Bồng Miêu, đoạn gần với khu vực mỏ vàng Bồng Miêu trước đây luôn đặt trong tình trạng ô nhiễm nặng ở hầu hết thông số hóa học; tuy nhiên, kết quả quan trắc gần đây thể hiện các chỉ số, nhất là nồng độ Pb thấp hơn nhiều lần.

Kiểm soát các nguồn xả thải

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp (KCN), CCN đã phát sinh lượng nước thải lớn.

Hiện nay, tổng lượng nước thải từ các KCN, CCN là 15.321m3/ngày đêm (tăng 27% so với năm 2015). Mức độ phát sinh nước thải trên đơn vị diện tích của KCN thấp hơn CCN (KCN xả 2,9m3/ha, CCN là 4,9m3/ha). Riêng tổng lượng nước thải từ các CCN tại huyện Đại Lộc xấp xỉ lượng nước thải từ KCN Điện Nam - Điện Ngọc.

Tình trạng khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu liên tục tái diễn là một trong những nguyên nhân khiến một số khu vực nguồn nước ở sông Thu Bồn, sông Bồng Miêu bị ô nhiễm bởi các thông số hóa học. Ảnh: H.P
Tình trạng khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu liên tục tái diễn là một trong những nguyên nhân khiến một số khu vực nguồn nước ở sông Thu Bồn, sông Bồng Miêu bị ô nhiễm bởi các thông số hóa học. Ảnh: H.P

Khu vực đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, nước thải từ chế biến vàng sa khoáng (chủ yếu tại Phước Sơn, Tiên Phước), tận thu quặng thiếc tại Bắc Trà My... kéo theo bùn đất và hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước.

Bất cập ở chỗ, hầu hết các cơ sở hoạt động trong CCN đều tự xử lý nước thải, nhiều cơ sở xử lý chưa đạt quy chuẩn, xả thải vượt quy chuẩn gây ô nhiễm môi trường. Qua thống kê, toàn tỉnh còn 32% tổng lượng nước thải phát sinh chưa được thu gom xử lý tập trung mà do doanh nghiệp tự xử lý trước khi đổ ra môi trường.

Để giảm quá tải cho môi trường, nhiều năm trước, Quảng Nam đã quy định về việc lập phương án đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường đối với các dự án, lĩnh vực đầu tư tiềm ẩn tác động lớn về môi trường lồng ghép trong bước lập thủ tục xin cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo ông Võ Như Toàn – Phó Giám đốc Sở TN-MT, đây được xem là một bước cải tiến trong trình tự thủ tục đầu tư, nhằm sàng lọc sớm các dự án đầu tư không phù hợp với quy hoạch đã được duyệt hoặc không đảm bảo an toàn, kỹ thuật về môi trường, giúp hạn chế phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Riêng lĩnh vực tài nguyên nước, đến nay, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp 58 giấy phép khai thác nước dưới đất, 22 giấy phép khai thác nước mặt và 163 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân.

Điểm sáng là thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm cơ sở mới gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành công tác thống kê các cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh nguồn thải ra sông; hoàn thành lắp đặt theo dõi trạm quan trắc tự động kết nối các cơ sở phát sinh lượng nước thải trên 1.000m3/ngày đêm để giám sát toàn diện.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng xây dựng được quy chế phối hợp trong công tác quản lý chất lượng nguồn nước sông Vu Gia - Thu Bồn và đang xây dựng 2 trạm quan trắc tự động online trên lưu vực sông để kiểm soát chất lượng nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO