Quản lý chất thải rắn ở nông thôn: Còn nhiều bất cập

THÀNH CÔNG 10/09/2021 08:17

Huy động trách nhiệm của các cấp chính quyền và cộng đồng; xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân về gìn giữ vệ sinh môi trường, cảnh quang sạch đẹp là dấu ấn của 8 năm triển khai Đề án quản lý chất thải rắn (CTR) các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Nhiều ý kiến đóng góp được trình bày tại hội nghị trực tuyến về xử lý chất thải rắn tổ chức vào sáng qua 9.9. Ảnh: T.C
Nhiều ý kiến đóng góp được trình bày tại hội nghị trực tuyến về xử lý chất thải rắn tổ chức vào sáng qua 9.9. Ảnh: T.C

Yêu cầu duy trì, nâng cao hiệu quả đề án đang được tiếp tục đặt ra tại hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai thực hiện kết luận của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; tổng kết thực hiện quản lý CTR được tổ chức vào sáng qua 9.9, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì.

 Mở rộng địa bàn thu gom rác

Về thực hiện đề án quản lý CTR nông thôn thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân lưu ý sự vào cuộc của một số địa phương vẫn còn chậm, chưa có sự chủ động quy hoạch về quản lý CTR, kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực trên.

“Còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án cần được khắc phục sớm để duy trì thành quả đạt được. Thời gian đến, các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập trung vào nhóm đối tượng phát sinh nhiều rác thải, phát huy tối đa vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong tuyên truyền thực hiện đề án. Địa phương nào xảy ra ùn ứ rác thải do thiếu trách nhiệm, lơ là trong điều hành quản lý, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm với cấp trên” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, đề án quản lý CTR nông thôn được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai lần đầu tiên theo Quyết định số 3983, ngày 6.12.2012 với mục tiêu triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, xử lý CTR các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân; góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thăng Bình là một trong những địa phương ghi nhận sự chuyển biến môi trường nông thôn nhờ triển khai đề án nói trên. Theo thống kê của địa phương, qua gần 10 năm triển khai, toàn bộ 22 xã, thị trấn của huyện đã có tổ thu gom rác thải đến các kiệt, ngõ, hẻm tại 106 thôn, tổ, đạt tỷ lệ 100%, tăng 87% so với đầu năm 2013. Tổng kinh phí thu được từ dân xấp xỉ 23 tỷ đồng.

“Đề án đi vào cuộc sống, nhận được sự quan tâm của tất cả cấp ngành và chính quyền địa phương, được nhân dân hết sức đồng tình. Không những giải quyết đáng kể chất thải rắn khu vực nông thôn, đề án còn góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nâng vai trò chủ thể của người dân về gìn giữ môi trường” - ông Trương Công Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay.

Theo thống kê, đề án quản lý CTR nông thôn được đến nay đã mở rộng từ 107 xã lên đến 179 xã trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, đề án còn giúp các địa phương mở rộng thêm địa bàn thu gom CTR trong cộng đồng dân cư vùng nông thôn, vận động được nguồn lực trong dân từ việc thu phí vệ sinh...

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay, việc triển khai đề án đã huy động được trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.

“Có thể khẳng định nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về công tác quản lý CTR được nâng lên. Kết quả triển khai đề án tạo được thành công bước đầu trong công tác xã hội hóa quản lý CTR trên địa bàn tỉnh” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Nhiều bất cập

Bên cạnh những chuyển biến, hàng loạt tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý CTR ở vùng nông thôn cũng đã được nhận diện.

Theo ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN-MT, chất lượng quản lý CTR ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững. Nhiều địa phương chưa cân đối được kinh phí hoạt động quản lý CTR nông thôn, chưa có biện pháp giám sát, xử lý đối với các hộ dân tập kết rác nhưng không nộp tiền, tỷ lệ thu phí còn thấp, thu không đủ chi dẫn đến nợ chưa thanh toán cho đơn vị vận chuyển và không đảm bảo chi phí hoạt động dẫn đến phải tạm ngừng thu gom.

Từ khi triển khai đề án quản lý chất thải rắn, tình trạng ô nhiễm ở nhiều vùng quê được cải thiện. TRONG ẢNH: Tập kết thùng chứa rác tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành). Ảnh: T.C
Từ khi triển khai đề án quản lý chất thải rắn, tình trạng ô nhiễm ở nhiều vùng quê được cải thiện. TRONG ẢNH: Tập kết thùng chứa rác tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành). Ảnh: T.C

Nhiều điểm nóng về rác thải được “gọi tên”, bao gồm bến cá An Lương, chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên), bãi biển Bàn Than (xã Tam Hải, huyện Núi Thành). Tần suất thu gom thấp ở một số địa phương đã làm gia tăng thời gian lưu rác, nguy cơ gây ô nhiễm.

Việc quản lý số liệu của một số địa phương về các nguồn kinh phí đầu tư cũng như thu - chi chưa rạch ròi, dẫn đến số liệu báo cáo chưa đầy đủ, gây khó khăn cho quá trình tổng hợp, đánh giá chung của tỉnh. Ngoài ra, còn 14 xã nằm trong lộ trình thực hiện đề án nhưng chưa triển khai và 3 xã đã triển khai nhưng ngừng do không đủ kinh phí duy trì hoặc năng lực đơn vị dịch vụ không đảm bảo thực hiện.

Theo ông Trần Thanh Hà, nguyên nhân không chỉ xuất phát từ việc nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận nhân dân, sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của một số địa phương, mà còn do đội ngũ cán bộ ở xã hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên luân chuyển, năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR của các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Để giải quyết lượng CTR phát sinh trong giai đoạn 2020 - 2030, khắc phục những tồn tại, Đề án quản lý CTR đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1662, được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại này” - ông Trần Thanh Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý chất thải rắn ở nông thôn: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO