Quản lý rác thải từ F0 điều trị tại nhà

MINH KHÔI 04/03/2022 06:22

Với số lượng F0 điều trị tại nhà tăng mạnh gần đây, buộc các địa phương phải có phương án quản lý, xử lý rác thải với những trường hợp này.

F0 điều trị tại nhà được hướng dẫn phân loại xử lý rác thải. Ảnh: X.H
F0 điều trị tại nhà được hướng dẫn phân loại xử lý rác thải. Ảnh: X.H

Khó quản lý

Gia đình có 3 F0 điều trị tại nhà, anh T. (TP.Tam Kỳ) cho biết, nhận thức rác thải của F0 là rác thải lây nhiễm nên anh đã tự phân loại rác vào túi ny lon rồi buộc chặt và khử khuẩn trước khi mang đi đổ.

Tuy nhiên, do không có khu vực tập kết rác thải y tế lây nhiễm nên anh buộc lòng phải để cùng với rác của gia đình và chờ xe của đơn vị thu gom đến lấy đi. Trong khi đó, nhiều trường hợp F0 điều trị tại nhà không khai báo y tế, dẫn đến việc xử lý, phân loại rác thải y tế và thu gom gặp nhiều khó khăn.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người mắc Covid-19 điều trị tại nhà cần phân loại rác thải y tế, xử lý đồ dùng với những quy định nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm.

Rác thải của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà phải phân loại với rác thải thông thường, đựng trong thùng rác chuyên dụng có nắp đậy, dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”, phun khử khuẩn và phải được ưu tiên thu gom, vận chuyển, xử lý ngay trong ngày. Nhân viên vệ sinh môi trường có đồ bảo hộ, sử dụng phương tiện chuyên dụng khi thu gom, vận chuyển và xử lý…

Tuy nhiên, có nhiều trở ngại với các địa phương khi áp dụng hình thức xử lý theo đúng quy trình, quy định đưa ra. Công tác thu gom, vận chuyển rác gặp nhiều khó khăn do phải mất thời gian thu gom kéo dài, chi phí vận chuyển tăng cao, xe thu gom không đảm bảo và cũng không thể di chuyển thu gom tại các hộ gia đình nằm trong ngõ nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, hiện địa phương có gần 4.000 F0 và chủ yếu điều trị tại nhà. Việc xử lý rác thải tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều xã phường, lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên vệ sinh môi trường, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương còn hạn hẹp...

Địa phương cần phối hợp

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có rất nhiều đơn vị xử lý rác thải và các địa phương nên chủ động hợp tác xử lý rác thải với các doanh nghiệp tư nhân. Nếu chỉ tập trung hợp đồng một đơn vị xử lý rác thải thì sẽ gây ra tình trạng quá tải. UBND tỉnh đã ban hành hướng dẫn chi tiết về việc quản lý chất thải phát sinh trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vào tháng 8.2021.

“Theo đó, tùy vào điều kiện của địa phương mà có sự linh hoạt chứ không thể cứng nhắc theo quy định. Địa phương chủ động hợp đồng với đơn vị thu gom” - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nói.

Mới đây nhất, ngày 28.2, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc Covid-19 quản lý tại nhà (F0 điều trị tại nhà).

Theo đó, các địa phương cần xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà trên địa bàn. Hướng dẫn việc phân loại chất thải; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu các địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn và kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương cần chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ý thức của mỗi người dân trong việc phân loại, xử lý rác thải để tránh nguy cơ lây nhiễm là điều rất quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý rác thải từ F0 điều trị tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO