Mới từ trang sách cũ

HỨA XUYÊN HUỲNH 22/10/2017 10:18

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, xem ra Nguyễn Văn Bổn là người luôn nặng nợ với những gì đã viết ra. Việc ông gấp rút tu chỉnh cùng lúc 4 bộ sách trong tháng 10 này như là cách  để “trả ơn” với từng vùng đất…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn – Tần Hoài Dạ Vũ.. ảnh: H.X.H
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn – Tần Hoài Dạ Vũ.. ảnh: H.X.H

Năm Nguyễn Văn Bổn chưa đầy 10 tuổi, ông nội (một nhà Nho lỡ vận) đã chấm lá số tử vi cho đứa cháu: Làm gì cũng thành công, nhưng không làm gì được lâu. Giờ đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (bút danh Tần Hoài Dạ Vũ) “giải đoán” tử vi ấy và cho là đúng với vận số của mình.

Theo dõi những gì ông tất bật những ngày vừa qua để kịp cho in 4 tập sách Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng trong tháng 10.2017, tôi lại nảy ra ý khác: có lẽ lá số tử vi ấy không hoàn toàn đúng ở… vế thứ hai. Thì đấy, cứ tưởng ông đã dứt bỏ nghề giáo ở tuổi tráng niên, nhưng đã kịp quay lại với nghề khi nhận lời mời từ trường Đại học Duy Tân. Ngót 2.230 trang sách sắp in sau khi ông cặm cụi tu chỉnh 4 tập sách nghiên cứu về văn học dân gian, cũng là một sự kỳ công dành cho những trang viết cũ. Ông đâu chịu rời bỏ cuộc chơi vốn dĩ được khởi sự từ những ngày trai trẻ?

Có một sự thôi thúc nào đó từ bên trong để nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn làm mới những đứa con tinh thần của mình. Hai tập Văn nghệ dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng in trong các năm 1983 – 1984, tái bản năm 1986 với số lượng in lên đến 20.000 bản mỗi tập, nay ông chỉnh sửa, bổ sung, viết mới để cho ra 2 cuốn tổng cộng hơn 900 trang dưới tên gọi: Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng tập 1 (Vùng đồng bằng), Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng tập 2 (Truyện cổ người Kinh). Tác phẩm thứ ba, Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển) từng được Sở VH-TT Quảng Nam xuất bản năm 2001, nay được ông viết thêm phần Đà Nẵng, sách dày hơn 550 trang với tựa mới Văn học dân gian Quảng Nam tập 3 (Miền biển). Còn cuốn Văn học dân gian Quảng Nam (Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền núi) do Sở VH-TT Quảng Nam xuất bản năm 2005 cũng vừa được viết thêm phần miền núi Đà Nẵng và bổ sung truyện cổ của đồng bào thiểu số miền núi Đà Nẵng, để có được tập sách hoàn chỉnh dày gần 600 trang.

Ông loan báo tin vui sắp có bộ sách mới được in dưới diện mạo và dung lượng mới. Nhưng vui hơn khi bộ sách chưa in mà đã có nơi… đặt mua 150 bộ. “Chuyện hiếm, nhưng có thật, và tôi rất vui. Vui không phải vì bán sách có tiền, mà vì được tin tưởng và quý trọng” - ông thổ lộ. Ông trân trọng gọi đó là “bộ sách của cả một đời”.

Theo kế hoạch, với trước mắt ông in 500 bộ, mỗi bộ 4 tập, tất cả được đựng trong hộp carton rất đẹp. Trong 500 bộ ấy, có 100 bộ in trên giấy Finland Bible paper 30gr, loại giấy dùng để in Kinh Thánh, rất mỏng, nhẹ và quý. Ông muốn dành riêng 100 bản đặc biệt này để tặng và bán cho những người chơi sách quý.

Tôi vừa nhận món quà mới từ ông, dù là cuốn sách quá quen thuộc, Thủ Thiệm - Tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng. Không chỉ lạ lẫm từ mẫu bìa, mà hình như có gì đó khang khác, thì ra cuốn sách dày hơn rất nhiều ở lần xuất bản năm 2017 của NXB Đà Nẵng so với 2 lần trước (1987, 2010). Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn vẫn không “chịu” công bố hết 114 truyện cười Thủ Thiệm đã sưu tầm được sau nhiều đợt điền dã suốt 25 năm qua (vì nghi ngờ một số truyện do người đời sau gán cho Thủ Thiệm), và tiếp tục đề nghị tôn vinh Thủ Thiệm như lần tái bản trước, nhưng lần này chuyên luận in ở phần đầu sách đưa ra nhiều ý kiến phân tích cụ thể hơn cho ngành văn hóa Quảng Nam và địa phương (Núi Thành). Mà những ý định của ông đều hướng đến sự thiết thực, hiệu quả. Một con đường mang tên Thủ Thiệm ở thị trấn Núi Thành. Một cuốn sách bỏ túi khổ nhỏ kiểu Livre de poche của phương Tây có in các truyện cười Thủ Thiệm. Một “ngôi nhà Thủ Thiệm”, nơi có thể tổ chức định kỳ cuộc thi kể chuyện cười Thủ Thiệm và đưa ngôi nhà ấy vào tour du lịch. Soạn chương trình truyện cười Thủ Thiệm để đưa vào chương trình văn học địa phương…

Ở tuổi xế chiều, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn càng tin những kiến giải của mình về trí tuệ dân gian, rằng không có gì sánh kịp, không có bất cứ sách vở nào chứa đựng hết. Ông nhận ra điều này từ rất nhiều năm trước, khi còn đang vác ba lô điền dã. Cũng từ những lần cọ xát ấy, ông tự xác lập quyết tâm: Dù khó khăn đến đâu cũng phải sưu tầm, ghi chép cho bằng được, càng nhiều càng tốt, những sáng tác dân gian.

Và, người đàn ông đa tài ấy vẫn đang tất bật cho phần việc thầm lặng của mình.

HỨA XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mới từ trang sách cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO