Xem ti vi sau những giờ lên nương rẫy giờ đã trở thành thói quen không thể thiếu với bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Nam. Thông qua các chương trình truyền hình, bà con đã học được nhiều cách làm hay trong phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Hơn 10 năm nay, nhóm dệt thổ cẩm ở làng Gale (xã Tà Bhing, Nam Giang) đã bán ra thị trường hơn 65.000 sản phẩm truyền thống tinh xảo, bao gồm váy, áo, túi xách, khăn choàng thổ cẩm. Đầu ra sản phẩm ổn định đã mang lại thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng cho 30 phụ nữ Cơ Tu trong làng.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Trưởng nhóm dệt làng Gale cho biết: “Trước đây ở làng mạnh ai nấy dệt vải, nhiều mẫu mã truyền thống bị mai một dần. Tình cờ một lần xem kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam với chương trình hướng dẫn việc khôi phục nghề dệt truyền thống của người Ba Na, Ê Đê ở Đăk Lăk. Tôi nghĩ họ làm được mình cũng làm được. Thế là ý tưởng về tập hợp chị em trong làng để hình thành nhóm dệt ra đời. Rồi sau đó được sự hỗ trợ của huyện, tổ chức FIDR Nhật Bản, nhóm dệt ngày càng lớn mạnh như hôm nay. Giờ đây, mỗi tuần ba buổi, chị em tập trung tại gươl làng để dệt những sản phẩm theo đơn đặt hàng. Vừa có thu nhập ổn định, vừa giúp nghề trồng bông, dệt vải của người Cơ Tu ở làng Gale chúng tôi hồi sinh”.
Ông Nguyễn Thanh Phương ở thôn 2 (xã Trà Mai, Nam Trà My) cho biết, xem thời sự trong nước, trong tỉnh giờ đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của gia đình. Ông nói “ngày nào mà không được xem tin tức, thì giống như chưa ăn cơm vậy”. Vừa rồi, xem ti vi thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở tỉnh và TP.Đà Nẵng, chính quyền địa phương, rồi các y bác sĩ gồng mình chống dịch, còn người dân ở đồng bằng thì khó khăn về lương thực, thực phẩm nên ông vận động bà con trong làng đóng góp rau, củ, quả gởi về xuôi.
Chiếc ti vi giờ trở thành người bạn, “người thầy” của bà con dân tộc thiểu số vùng cao. Nhiều mô hình hay, cách làm mới trong phát triển kinh tế, giảm nghèo được giới thiệu trên sóng truyền hình đã được bà con học tập, làm theo. Ông Hồ Văn Chiên - Trưởng thôn 1 (xã Phước Thành, Phước Sơn) tâm sự: “Thôn chúng tôi 100% hộ dân đều có ti vi để xem tin tức, xem các chương trình mô hình kinh tế. Ngày trước dân chỉ biết Phước Thành chứ không biết nơi nào khác. Bây giờ dù không đi Hà Nội họ vẫn biết thủ đô Hà Nội trên ti vi, đó cũng là sự thay đổi đáng kể”.
Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, những năm gần đây trung ương, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư cho miền núi. Tính đến cuối năm 2019, tại khu vực 9 huyện miền núi, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện thắp sáng, nước sinh hoạt. Đáng chú ý, có hơn 85% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có phương tiện nghe nhìn, nhiều thôn 100% hộ dân có ti vi… Những con số thống kê trên cho thấy đời sống của cư dân vùng cao giờ đã thay đổi khá nhiều. Và những thông tin hay, bổ ích, thiết thực đến từ các chương trình truyền hình đã và đang tác động lớn đến việc thay đổi đời sống văn hóa tinh thần của bà con vùng cao.