Trong danh mục những món ăn dân dã đặc sắc của người Cơ Tu còn hiện hữu đến ngày nay, những món ăn từ lá sắn được xem là một thứ đặc sản thú vị của người Cơ Tu bản địa.
Món lá sắn của người Cơ Tu. |
Cây sắn là thứ thực phẩm gần gũi của bà con vùng cao. Từ những ngày còn đói cơm lạt muối, cây sắn như một thứ thức ăn không thể thiếu trong mỗi căn bếp của đồng bào. Không chỉ lấy củ, người Cơ Tu còn sử dụng lá sắn để chế biến thành nhiều món ăn trong gia đình, cũng là thứ quà đãi khách mỗi khi có dịp. Ngay cả những lễ hội của làng, các mẹ, các chị cũng chuẩn bị món lá sắn trong mâm cơm lễ.
Lá sắn được chế biến thành nhiều món như xào với tóp mỡ, muối chua, kết hợp với thịt rừng như sóc, nai…, nhưng đơn giản và được chế biến nhiều hơn cả là lá sắn xào. Lá sắn non được chọn đem về rửa sạch, loại bỏ cọng chỉ lấy phần lá tươi. Sau đó, bà con trải lá sắn ra một chiếc nong đan bằng tre hoặc mây lớn, thêm ít muối vào và dùng một chiếc nia nhỏ hơn để chà xát cho lá sắn tơi thành từng sợi mỏng. Lá sắn lúc này đã được vò nhuyễn, cho vào chảo, thêm một ít mỡ động vật (sau này được thay thế bằng dầu ăn), ít muối rồi đảo sơ cho vừa chín tới. Đặc biệt, người Cơ Tu dùng ớt xanh (loại ớt rất nhỏ nhưng rất cay ở vùng cao) và một nắm tiêu rừng giã nhỏ để tạo nên mùi vị thơm nồng, tạo nên vị cay nồng đặc trưng của món ăn này.
Món lá sắn thường được dùng như món ăn khai vị nhẹ nhàng trong bữa ăn của đồng bào. Vị thơm bùi pha lẫn chút cay nồng của tiêu rừng, của ớt tạo nên phong vị riêng không lẫn của món ăn độc đáo này.
KIỀU LY