Trời se se lạnh, mẹ ngồi cặm cụi bên hiên nhà, lấy cái nạo bằng tre bào từng sợi đu đủ xanh cho vào rổ làm gỏi. Những sợi đu đủ hồng nhạt nằm nhẹ nhàng trong chiếc rổ tre xinh xắn, nhìn thôi đã thấy ngon rồi.
Đu đủ sau khi bào sợi xong mẹ đem bóp qua với muối cho hết mủ, rồi rửa sạch vắt ráo. Khâu trộn gia vị là phần của bố. Mẹ rang đậu phụng để sẵn, bố giã dập ra, cắt mấy quả ớt chín sau vườn, mấy lá chanh, rau kinh giới, đường, tỏi, nước mắm, một quả chanh, bột ngọt và các gia vị vừa đủ. Bàn tay khéo léo của bố làm và trộn gỏi chỉ trong nháy mắt. Khi bố đem chúng trộn vào nhau bố thường nói với chúng tôi: “Món này nhìn thì đơn giản nhưng không phải ai cũng nêm vị ăn đúng chuẩn. Quá tay một xíu nó sẽ không có hương vị của món nộm nữa. Những gia vị có trong món này nó có đầy đủ vị thơm - bùi - mặn - ngọt - chua - cay. Đó là những gia vị trong cuộc sống, sau này các con lớn lên các con sẽ cảm nhận được hết những cung bậc đó”.
Món gỏi lúc nào qua tay bố cũng ngon tuyệt. Những sợi gỏi giòn tan, sần sật, có vị ngọt thanh nhẹ nơi đầu lưỡi. Lũ anh em chúng tôi quây quần bên mâm cơm, nhón đũa gắp từng sợi gỏi, tận hưởng mùi thơm của lá chanh, rau kinh giới. Đậm đà của chút nước mắm, cay cay của ớt, bùi bùi của đậu phụng rang, mùi thơm của tỏi giã nhuyễn, cộng với vị ngọt thanh không thể lẫn vào đâu được.
Món gỏi ngon lành đi vào miền ký ức ngọt ngào của anh em chúng tôi. Để mỗi khi nếm những gia vị của cuộc đời “chua, cay, mặn, ngọt, bùi…” chúng tôi lại nhớ về bố và vững vàng bước tiếp con đường tương lai.