(Xuân Tân Sửu) - Không hề lạc lõng trên bàn tiệc, trái lại, còn mang phong vị riêng của món ngon vùng đất trung du. Gần một trăm năm có lẻ, làng nghề phở sắn Quế Sơn từng bước tìm lại sự hưng thịnh ngày cũ…
Trong nắng vàng như mật, những tấm bánh phở được người làng căng ra. Tôi hình dung mỗi mành lưới này hệt như những sợi tơ trời giăng lại. Nó không đơn thuần là nguyên liệu của món ăn. Phở sắn, cũng như mỳ Quảng vậy, nó đã thành một định danh cho vùng đất. Hơn ai hết, những người xứ sở này biết, mỗi món ngon bao chứa trong đó không chỉ cái vị kết tinh của ẩm thực, mà còn là cả hành trình của một đời sống đã từng khó nghèo. Hẳn vì thế mà càng ngày, những món ngon từ ký ức càng có sức lôi cuốn với nhiều người.
Làng nghề phở sắn Đông Phú (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) ra đời từ khi nào, không mấy người dám xác quyết mốc thời gian. Chỉ biết từ sáng tạo của cha ông, người làng làm ra món phở sắn. Nếu mỳ Quảng đại diện cho những vùng đất đai trù phú, là món ngon cho một mùa lúa mới, thì phở sắn lại là thức vị của vùng đất nghèo - những nơi làm nông nghiệp không thuận. Nó ban đầu chỉ là một món ăn chơi, qua biến tấu của đời sống dân gian, với nhiều loại gia vị, không dưng lại thành một món ngon - món ăn no.
Ông Trương Đăng Nhẫn, người làng nghề cho biết, những năm đầu thập niên 1960, phở sắn là loại hàng hóa bán được của đất này với những cuộc đi xuôi về phố hay ngược lên nguồn. Hễ nơi nào có cây sắn thì người ta lại manh nha chuyện làm nghề. Những năm đó, hầu như địa phương nào của đất Quế Sơn đều có vài hộ làm phở sắn.
Cho mãi đến những năm 2010, phở sắn Quế Sơn mới được công nhận làng nghề từ chính sự bền bỉ giữ nghề của những người dân quê. Ông Dương Ngọc Xinh – người được xem thành công nhất của làng nghề phở sắn Đông Phú nói, có đoạn, người làng không mấy ai muốn làm nghề. Vì sự kỳ công để làm ra được một bánh phở mà giá thành lại rất rẻ mạt. Không đòi hỏi phải thật sự tinh xảo như nhiều nghề nghiệp thủ công khác, nhưng người làm phở sắn đòi hỏi phải kiên trì và phải có sức khỏe bởi các công đoạn đều làm thủ công.
May thay, khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng để ít nhiều tiết kiệm sức cho người lao động. Một chiếc máy ép phở sắn chạy bằng điện được nghiên cứu chế tạo và đưa vào hoạt động. Người làm nghề thở phào. Từ lúc chỉ có 5 - 7 hộ cố duy trì nghề, bây giờ Đông Phú đã có gần 20 hộ cùng tham gia sản xuất bánh phở. Từ một nghề chỉ sản xuất được lúc trời nắng ráo, bây giờ có thể làm quanh năm.
Dương Ngọc Ảnh - chàng trai trẻ của làng nghề, đã nhìn thấy giá trị của món ngon làng mình. Đó là trong sắn chứa lượng tinh bột và khoáng chất dồi dào. Với lượng chất xơ phong phú, ăn phở sắn giúp giảm cân, tiểu đường và cholesterol xấu trong máu. Những thông tin khoa học đủ để một món ngon bắt đầu thu hút.
Dương Ngọc Ảnh quay về làng, tính kế dựng lại nghề nghiệp và sự hưng thịnh một thuở của gia đình. Đó là mục tiêu để “Caromi” - thương hiệu Phở sắn đang được ưa chuộng trên thị trường ra đời. Không còn là những vỉ bánh phở thô mộc gói ghém vụng về trong những túi ni-lông, phở sắn được cắt ép tinh tế, đầu tư bao bì, nhãn mác để lên kệ siêu thị, cửa hàng. Thậm chí, phở sắn Caromi đã xuất ngoại, có mặt ở thị trường Thái Lan, Úc.