Món nợ sử thi thế kỷ

ĐĂNG QUANG 16/02/2019 23:40

Tuần qua, sự kiện chiến tranh biên giới phía bắc được báo chí nhắc lại khá đậm đặc. Câu chuyện thấm đẫm nước mắt và máu từ 40 năm trước đất nước “lưỡng đầu thọ địch” được xới lại với nhiều chiều kích, góc nhìn.

Dịp này, nhiều bài học lịch sử đã được đúc kết sơ bộ, trong đó nổi lên vấn đề là phải luôn luôn đặt chủ quyền của Tổ quốc, quyền tự chủ, tự quyết của dân tộc lên hàng đầu. Và để tiếng nói của mình có trọng lượng, được nhân loại tiến bộ ủng hộ, đất nước phải giữ chính nghĩa, phải tự cường.

Dù có nói gì thì hòa bình vẫn luôn là ước vọng chung của nhân loại. Chiến tranh, xung đột vũ trang chỉ là trạng thái bất bình thường mà thôi. Tuy nhiên, một bộ phận lãnh đạo của các quốc gia muốn xưng hùng xưng bá vẫn theo đuổi chính sách bành trướng hay can thiệp vào nội bộ nước khác để trục lợi vẫn còn hiện diện. Vì thế ước vọng “Giã từ vũ khí”, như cảm hứng từ tiểu thuyết bán tự truyện của nhà văn Ernest Hemingway viết từ 1929, vẫn dang dở. Rõ ràng là từ bối cảnh của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất mà cuốn truyện đề cập về câu chuyện giã từ vũ khí để xây đắp tình yêu, cho đến nay vẫn chưa ngừng ngớt tiếng bom rơi đạn nổ đâu đó trên thế giới.

Nhân đây chỉ muốn đề cập một món nợ đối với  nước Việt. Ba cuộc chiến tranh ảnh hưởng cả khu vực và thế giới trong suốt thế kỷ XX của dân tộc ta, vẫn còn thiếu những bộ sử thi mang tầm vóc lớn kể lại. Đâu đó chúng ta bắt gặp những cuốn sách như mảnh ghép cuộc đời các nhân vật từ lãnh tụ, các vị lãnh đạo cao cấp đến các tướng lĩnh, các anh hùng. Có thế hệ lớn lên với các cuốn sách gối đầu giường như “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, “Việt Bắc”… Rồi đâu đó ta lại đọc được các cuốn hồi ký lịch sử mang tính biên niên như “Những năm tháng không thể nào quên” hoặc “Đại thắng mùa xuân”… Hoặc từ văn học nghệ thuật, có người gọi những trường ca như “Nước non ngàn dặm”, “Trường ca chim chơ rao”,… mang hơi hướng sử thi. Nhưng bộ sử thi đúng tầm, đúng nghĩa nhất, xuyên suốt thế kỷ XX, thì có lẽ vẫn còn phải chờ. Nói điều đó là bởi, như các nhà nghiên cứu chỉ ra sử thi phải là tác phẩm tự sự mà nội dung hàm chứa bức tranh rộng lớn và hoàn chỉnh về đời sống đất nước, nhân dân, có nhân vật trung tâm mang tầm vóc lớn. Tại sao phải cần sử thi kể lại các cuộc chiến tranh của dân tộc ta? Bởi ngay như cuộc chiến tranh biên giới tây nam và phía bắc, đến hàng chục vạn chàng trai cô gái tuổi đôi mươi lên đường ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc và trở thành anh hùng, liệt sĩ, mà chỉ có ít cuốn sách rời rạc không thể nào bao quát hết.  

Đến đây có lẽ phải dẫn chiếu thêm về cuốn sách mà nhiều người Việt quen biết, đó là bộ “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy – văn hào Nga. Đây là cuốn sách mà nhiều nhà phê bình cho rằng có tầm bao quát sâu rộng với tính sử thi hùng tráng và tính trữ tình tinh tế, những suy ngẫm triết lý sâu xa về số phận con người, lịch sử và thế giới, những hình tượng bất tử luôn sống động như đang hiện diện trước mắt ta nhờ bút pháp diệu kỳ của nhà văn.

Muốn có những bộ sử thi thì phải kết hợp trang sử trung thực “sòng phẳng với lịch sử” với trang văn giàu tài năng và tâm huyết. Để khái quát được cái lõi cốt của lịch sử, tự sự về bối cảnh đất nước, dân tộc, những tình tự và máu xương không thể lãng quên thì cần có những bộ sử thi lớn mới gánh vác nổi. Và đó cũng là món nợ chưa trả của các sử gia, văn gia nước nhà. Nên dịp tròn 40 năm sự kiện chiến tranh biên giới phía bắc (17.2.1979 - 17.2.2019), đọc lại tư liệu về Sư đoàn Sao Vàng anh hùng, lại thấy khát khao về tác phẩm mang tầm vóc lớn dựng được bức tranh lịch sử bắt đầu từ“ ngày 17 tháng 2, một ngày hết sức bình thường, một ngày mà mọi người dân Việt Nam đang lao động, xây dựng đất nước trong hòa bình bỗng trở nên một cái mốc trong lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của đất nước. Một kẻ thù mới đã lộ rõ nguyên hình với bộ mặt thâm hiểm ghê tởm, đầy tội ác, và một cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu với dân tộc ta”.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Món nợ sử thi thế kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO