Cận tết, đám con nít xóm tôi rủ nhau lên các sườn đồi kiếm củi, có hôm còn đi tít lên Máng Lao dựng đứng kéo củi về. Mới tờ mờ sáng, tôi đã nghe tiếng chị em nhà Phúc câm gọi í ới. Nhà Phúc nghèo lại đông anh em nên chúng rất vất vả, chỉ hai đứa em út được đi học, còn mấy đứa lớn chỉ học hết cấp một đã phải nghỉ. Trong nhà, Phúc sinh ra đã bị câm điếc bẩm sinh, nhưng lại là lao động chính. Nó làm việc giỏi đến độ những người thuê làm mướn ai cũng thích. Mỗi mùa tết đến thì những bó củi sẽ mang lại chị em nhà nó những bộ đồ, những đôi dép mới, nên đứa nào cũng hí hửng xông pha. Nhà tôi cũng cần nhiều củi nấu bánh tét, dư ra má chất thành đống ở sau bếp để dành chụm dần dần. Phần dư, ba chị em tôi góp với mấy đứa trong xóm mang đi bán lấy tiền “nuôi” heo đất.
Việc kiếm củi thường bắt đầu từ những ngày cận tết với sự mong chờ háo hức. Đứa nào cũng mong tết đến thật nhanh để mặc áo quần mới và ăn bánh kẹo. Chỉ nghĩ vậy cũng đủ làm chúng tôi hồ hởi lắm. Những nhánh củi khô được bó ngay ngắn dần dần chuyển về sau bếp, má thấy vậy khen càng làm chị em tôi phấn khởi hơn nữa. Vì nhất định phần thưởng sẽ là những bộ áo quần mới tinh như những năm trước. Máng Lao rất xa, chỉ có con đường dốc đứng dẫn đến đó. Ngày trước người ta khai thác gỗ trong rừng sâu, khi ra đến máng phải lao từng khối gỗ xuống nên người dân xóm tôi gọi nó cái tên như vậy. Gia đình Phúc câm là dân chuyên lùng rừng, ngõ ngách nào tụi nó cũng băng được, nó chắc chắn rằng trên đỉnh Máng Lao có cả một “kho” củi khô do một cơn cháy rừng hồi tháng sáu để lại.
CẨM GIANG