Mặc dù chưa được công nhận là làng nghề, song bánh tráng Việt An (xã Bình Lâm, Hiệp Đức) được nhiều người biết đến là một món quà quê dân dã, mang hương vị riêng của vùng đất này.
Đến xã Bình Lâm vào những ngày cuối năm này, chúng ta bắt gặp không khí tất bật của nhiều gia đình làm nghề bánh tráng. Làm thủ công, thu nhập của nghề không cao (50.000 - 70.000 đồng/ngày) nhưng nhiều gia đình trong xã vẫn theo giữ nghề truyền thống. Gia đình bà Bùi Thị Kỷ, ở thôn Nhứt Tây, đã làm nghề này hơn 20 năm. Hàng ngày, bà Kỷ phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị rồi tráng bánh cho đến qua trưa. Bánh tráng của gia đình bà được nhiều khách hàng tìm mua để bán lại, để ăn và cả gửi làm quà biếu người thân, bạn bè phương xa. Bánh nhà bà Kỷ đắt hàng bởi được tráng bằng 2 lớp bột nên dày, mặt bánh mịn đều, nhiều mè, gia vị thơm ngon đậm đà. Bà Kỷ chia sẻ, tráng bánh thì đơn giản, nhưng để làm ra một cái bánh ngon vừa ý khách hàng không phải ai cũng làm được. Người làm nghề phải có đôi tay nhanh nhẹn, xoay đều bánh, canh đúng thời gian để lấy bánh ra, nếu lấy sớm bánh bị nứt, lấy chậm bánh sẽ dính, khó lấy. Gia vị không những đầy đủ mà còn phải vừa độ… Bà Kỷ cho biết: “Để làm được những chiếc bánh tròn trịa, đẹp mắt, hương vị đậm thơm, tôi đã mất khoảng thời gian khá dài vừa học hỏi vừa làm rút kinh nghiệm”. Bên cạnh nhà bà Kỷ là gia đình bà Nguyễn Thị Bốn cũng đang bận rộn với công việc làm bánh tráng. Bà Bốn mới theo nghề làm bánh tráng từ 5 năm nay. Ngày thường bà tráng 120 - 150 chiếc bánh, còn vào mùa tết như hiện nay số lượng tăng lên hơn 200 bánh mỗi ngày. “Người làm nghề bánh tráng thủ công vất vả lắm, phải quần quật suốt ngày. Rồi còn phụ thuộc thời tiết nữa. Khi gặp trời mưa thì bánh bị hư, không bán được; còn nắng quá thì phải tranh thủ thu gom nếu không bánh sẽ bị nứt, giòn, bánh sẽ không đẹp, khó bán” - bà Bốn cho hay.
Năm nay đã ngoài 85 tuổi và có 50 năm theo nghề làm bánh tráng, bà Nguyễn Thị Đợi (thôn Nhì Đông) cho biết, con cháu thường khuyên bà nên nghỉ để an dưỡng tuổi già, vả lại trong gia đình đã có người nối nghề, nhưng bà nghĩ mình còn sức khỏe thì cố làm, cùng là cho tuổi già có niềm vui. Nguồn thu nhập không cao và ở vùng đất này cũng chưa có ai giàu lên từ nghề làm bánh tráng, nhưng bà Đợi quyết không bỏ nghề của gia đình. Bà đã truyền dạy cho con dâu theo nghề đã được gần 6 năm. Còn con cháu của bà, tuy nhiều người không theo nghề làm bánh nhưng qua sự chỉ dạy của bà ai cũng biết làm bánh.
Nhiều gia đình làm bánh tráng ở Bình Lâm hoạt động quanh năm, kể cả mùa mưa mới đủ hàng giao cho các mối quen. Từ đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị trong khâu tráng bánh, cộng với bí quyết pha bột, nêm nếm gia vị đã làm nên những chiếc bánh tráng tròn trịa, thơm ngon được khách hàng ưa thích. Nhìn những đôi bàn tay thoăn thoắt tráng bánh trong ánh lửa hồng, và không khí nhộn nhịp trong nhà ngoài ngõ nâng niu phơi từng vỉa bánh… những ai ngang qua đây trong khoảng thời gian này sẽ cảm nhận được mùa xuân đang về trên từng nẻo đường quê.
MỸ LINH