Món quà vùng cao

NGUYỄN DƯƠNG 18/06/2013 08:44

Có ai đó đã từng nói, cuộc đời làm báo là những chuyến đi. Đi để khám phá, cảm nhận những cái mới lạ, độc đáo. Đặc biệt là với những chuyến công tác ở vùng cao, cùng với những gian truân nếm trải, tôi đã nhận được những “món quà” rất thú vị và ý nghĩa.

Lối mòn độc đạo vào xã “5 không” Chơ Chun.
Lối mòn độc đạo vào xã “5 không” Chơ Chun.

Nồi cháo cụ... Nghị

Nhận được tin báo sẽ cùng tham gia truy quét vàng trái phép tại khe Ba Nhó của huyện Nông Sơn, cứ nghĩ rằng, chắc cũng gần lắm thôi, không như ở Nam Giang hay Tây Giang xa xôi. Ai ngờ đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Đường vào khe Ba Nhó không khác là mấy so với đường vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, nơi nổi tiếng là khó đi nhất.

Bắt đầu xuất phát từ lúc trời chưa sáng, sương chưa kịp ráo trên ngọn cỏ. Mất 6 tiếng lội suối, băng rừng, vượt qua đám vắt mới đến điểm truy quét. Cả ngọn núi bị băm nát bởi những hầm vàng. Một thành viên trong đoàn thở dài: “Ở đây xa quá, lực lượng lại mỏng, không thể kiểm soát hết được. Cứ hôm nay truy quét, mai lại mình rút thì bọn họ (vàng tặc - PV) lại vào. Cứ thế nhùng nhằng miết”.

Húp tạm miếng mỳ tôm chưa kịp chín, cả đoàn vội vã quay ra để tránh cơn mưa chiều. Nghĩ tới quãng đường phải đi ra, tôi cũng thấy hơi ngán. Lầm lũi đi, ba lô trên vai nặng trĩu. Chợt chú Nghị - Phó chánh Thanh tra tỉnh reo: “Ốc đá bây ơi, nhiều lắm. Nhặt về làm nồi cháo…”. Nói là làm, chú thoăn thoắt nhặt. Động tác của chú khiến cả đoàn cười ồ, cùng nhặt. Mệt nhọc được xua đi phần nào. Do ít người bắt nên ốc ở đây to, rất sạch.

Nấu nước chế mỳ tôm giữa rừng - một kỷ niệm tại khe Ba Nhó, huyện Nông Sơn.
Nấu nước chế mỳ tôm giữa rừng - một kỷ niệm tại khe Ba Nhó, huyện Nông Sơn.

Sáng hôm sau, cả đoàn được chiêu đãi món cháo ốc thơm lừng. Có người tếu táo: “Cháo này là cháo của cụ Nghị đấy nhé. Đi không nổi nhưng vẫn còn chịu khó cúi xuống mà nhặt ốc cơ mà…”. Chú Nghị cười bảo: “Quà của vùng cao đó. Dễ chi ở dưới kia kiếm được nồi cháo ốc như ri!”.

Nhớ đời rượu tà vạt

Một lần, tôi cùng đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đi rà soát, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại xã La Êê, huyện Nam Giang. Cơn mưa chiều hôm trước đã làm cho con đường vốn đã khó đi nay càng trơn tuột. Đến chiếc xe U oát vốn được coi là “trâu cày” của vùng núi cũng chấp nhận chào thua. Cả đoàn đành lội bộ giữa cái nắng như đổ lửa trên đầu. Khát khô cả cổ, bao nhiêu nước đổ vào cũng thấy chẳng đủ. Mồ hôi mẹ, mồ hôi con chơi trò đuổi bắt khắp người, có giọt rơi vào mắt cay xè. Chợt một mùi thơm ngào ngạt khiến ai cũng phải dừng lại. Ông Diệp Thanh Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, vốn có kinh nghiệm đi rừng, bảo: “Tà vạt đấy, rượu tà vạt!”. Trước mắt chúng tôi là một cây thân dừa, trái như trái cau kết lại thành từng buồng lớn. Trên cây treo chiếc can lớn hứng từng giọt nước màu trắng đục chảy ra từ 1 cuống buồng. Mùi thơm vang dậy cả một góc rừng. Nghe nói về loại rượu này đã lâu nhưng chưa có dịp được thưởng thức, vậy là tôi chạy nhanh về phía nhà dân gần đó, xin phép được nếm thử. Cái vị ngòn ngọt, đăng đắng lẫn mùi hăng của nhựa cây tạo thành một mùi vị khó tả. Cái khát biến đi đâu mất, để lại một vị thơm nồng bốc lên mũi. “Đặc sản của vùng cao đấy. Giữa trưa nắng, được uống rượu tà vạt là nhất, không gì bằng. Nó nhẹ nhàng, không say, chỉ lâng lâng, rất dễ chịu” - ông Phong bảo.

Tác giả bên những cây tà vạt ở xã La Êê, huyện Nam Giang.
Tác giả bên những cây tà vạt ở xã La Êê, huyện Nam Giang.

Tối đó, cả đoàn nghỉ lại Đồn Biên phòng 657, tôi rỉ tai anh Avôtô Phương - hồi đó là Chánh văn phòng UBND huyện Nam Giang: “Anh kiếm giúp em ít rượu tà vạt về làm quà cho anh em dưới đó với”. Anh đồng ý ngay. Sáng sớm hôm sau đã có can rượu tà vạt 5 lít để tôi đưa về xuôi làm quà.

Vừa về đến đã hí hửng, nhắn tin, gọi điện cho anh em thông báo: “Có quà vùng cao đây, ngon lắm, không ngon không lấy tiền”. Rồi cũng hí hửng nhập cuộc, cũng gật gật: ngon thiệt ngon thiệt, thơm thiệt thơm thiệt. Sáng hôm sau, gọi điện cà phê, đứa nào cũng nhắn tin trả lời: “Đau bụng từ tối qua đến giờ, không đi được”. Hoảng quá, gọi điện cho anh Avôtô Phương hỏi, anh cười ngặt nghẽo: “Rượu tà vạt chỉ uống trong ngày thôi, không để qua ngày được. Ai bụng yếu uống vào đều có thể bị đau bụng. Chỉ có vỏ cây chuồn nhai vào mới bớt đau bụng được”. Nhưng mà vỏ cây chuồn thì...

Cái móng gấu

Còn nhớ lần tôi cùng đoàn công tác của huyện Nam Giang vào xã Chơ Chun (tách ra từ xã La Êê), nơi được mệnh danh là xã “5 không”, bởi ở đây hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sạch sinh hoạt đều không có. Vượt qua con dốc Già Lào dựng đứng, lưng áo đã mướt mồ hôi. Đôi chân tuồng như không nghe theo mệnh lệnh nữa. “Đây mới chỉ là đoạn đầu tiên của quãng đường vào Chơ Chun. Khó khăn lớn nhất của bà con nơi đây chính là không có hệ thống đường giao thông. Con đường độc đạo này xuyên giữa rừng, đi bộ còn khó huồng hồ các phương tiện khác” - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, A lăng Mai nói. Chỉ khi lên tới nơi, chứng kiến bà con nơi đây sống, mới có thể thấy họ khó khăn đến mức nào. Ngay cả trụ sở làm việc của UBND xã cùng được dựng tạm trên nền đất. Hình ảnh những đứa trẻ tranh thủ giờ giải lao xuống suối xách nước lên để dùng luôn ám ảnh trong đầu người đi.

Đêm xuống nhanh trên bản. Gió núi rít từng cơn, lạnh buốt. Cũng lạ, thời tiết thay đổi nhanh đến chóng mặt. Mới nắng như thiêu đốt đó, giờ lại lạnh ngắt. Nhấp chén rượu, thấy vị đắng, ngọt ở cổ, mùi thơm đượm nồng lưu lại ở mũi rất lâu. Thấy lạ, hỏi thì mới được biết đây chính là rượu của người dân tự nấu bằng gạo ủ, nước suối và men chính là bằng lá cây rừng. “Ở đây cái chi người ta cũng tự túc. Ngay cả rượu uống cũng vậy, rất đặc biệt, không ai có nhé” - ông Coor Dương, Bí thư Đảng ủy xã Chơ Chun cười hiền.

Sau một đêm ngủ lại xã, cảm nhận được cái rét của gió núi qua kẽ hở của nhà sàn luồn tới từng chân tơ, kẽ tóc. Đoàn công tác xuất phát trở về huyện. Đang loay hoay thu dọn, chợt ông Coor Dương dúi vào tay vật gì đó. “Ở đây không có chi, thôi em cầm cái móng gấu về làm quà vậy. Móng gấu thật đấy, từ đời ông nội anh để lại…”. “Anh hối lộ em đấy à?” - tôi đùa. “Không, không! Thấy anh em vất vả vì mục đích giúp bà con nơi đây có đời sống tốt hơn nên thấy… thương” - ông phân trần. Chợt thấy vui vui, chưa biết là sẽ thế nào, bài viết của mình có thực sự giúp được bà con nơi đây bớt khổ hay không nhưng ít ra, cũng thấy mình đóng góp được một phần nào đó. Thế là vui rồi.

Giờ, mỗi lần lên nhà chị gái, nhìn cái móng gấu được bọc bạc đeo lủng lẳng trên cổ thằng cháu lại thấy vui. Nó vẫn bi bô: “Quà vùng cao của cậu cho mà !”.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Món quà vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO