Môn lịch sử dự kiến được biên soạn theo hướng tích hợp, “trộn lẫn” với môn tìm hiểu xã hội, giáo dục công dân, xã hội và nhân văn đã tạo nên cuộc “tranh cãi” với những ý kiến trái chiều. Điều này khiến tôi nhớ lại mấy mẩu chuyện nhỏ…
1. Cách đây 25 năm, tôi đi thực tế ở vùng quê Sơn Cẩm Hà (Tiên Phước) để thu thập tư liệu viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Máu và tội ác”. Tôi gặp gỡ, chuyện trò với các bậc cao niên ở làng Phú Lâm, quê hương của Lê Cơ - nhân vật kiệt hiệt, thực hành duy tân theo chủ trương “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh với thành công ngoài mong đợi. Các bậc cao niên bảo, trước Cách mạng tháng 8.1945, “mẫu quốc Pháp” dạy con dân xứ An Nam rằng, “tổ tiên chúng ta là người Gôloa”. Hẳn nhiên, sử Việt không có chỗ đứng trong trường học thuộc địa, nếu có cũng chỉ dừng ở mức “qua loa đại khái” mà thôi! Khi Lê Cơ thực hành duy tân, mở trường dạy chữ quốc ngữ, ông đã khéo léo lồng ghép sử Việt vào chương trình giảng dạy cho con em làng Phú Lâm. Biết được điều đó nhưng không có cớ dẹp bỏ, thực dân Pháp cho xây một cái bốt trên đèo Eo Gió và cử tên quan ba Pháp trực tiếp chỉ huy để đề phòng bất trắc có thể xảy ra. Học sử Việt, con em làng Phú Lâm biết mình là ai? ở đâu? Và họ tự “đổi mới” bằng cách “mặc quần hai ống” thay cho một ống, hớt tóc ngắn thay cho để tóc dài búi tó củ hành sau ót, lập “hợp xã” buôn bán hàng nông sản... Rồi năm 1908, cùng với nhân dân cả tỉnh Quảng Nam, họ đứng lên chống sưu cao thuế nặng, tạo nên phong trào kháng sưu cự thuế lan rộng khắp Trung kỳ.
2. Khi tập tành viết văn và quen thân với nhà thơ Thanh Quế, ông khuyên bảo tôi lắm điều hay. Tôi nhớ mãi chuyện ông được bậc đàn anh là nhà thơ Lê Anh Xuân “định hướng nghề nghiệp” lúc học xong bậc phổ thông. Ông có ý định học ngành văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng Lê Anh Xuân lại khuyên ông nên học ngành sử. Lê Anh Xuân bảo: “Môn sử là nền móng, còn môn văn là tường vách ngôi nhà. Nền móng không vững chắc, liệu ngôi nhà có tồn tại?”. Thanh Quế nghe vậy, theo học ngành sử. Từ trải nghiệm thực tiễn của bản thân, Thanh Quế nhận ra Lê Anh Xuân đã cho ông một lời khuyên đúng đắn. Là bạn vong niên với tôi, Thanh Quế đã chia sẻ điều đó để tôi có thể viết “ra tấm ra món”. Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy đấy là bài học vô cùng quý giá. Nhờ tự học sử, nhất là “sử ngành”, “sử địa phương”, tôi hiểu biết thêm nhiều lĩnh vực khác, viết chắc tay hơn, nhân bản hơn, với cái nhìn đa chiều đa diện hơn. Vì thế, khi viết về đề tài chiến tranh cách mạng, dù là bút ký, ghi chép hay truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết… người đọc ở bên này hay bên kia chiến tuyến đều cho rằng tác phẩm của tôi viết không rập khuôn “ta nhất định thắng, địch nhất định thua” sáo rỗng…
3. Trong lúc môn lịch sử còn độc lập, chưa bị tích hợp với các môn khác, thực tế cho thấy nó vẫn không được coi trọng. Hậu quả là các em học sinh phổ thông hiểu rất lơ mơ về lịch sử cha ông ta dựng nước và giữ nước. Lịch sử địa phương, theo tôi biết, các em lại càng mù tịt. Nhiều anh hùng lực lượng vũ trang là người địa phương nhưng các em cũng không hiểu mô tê gì sất. Trong khi đó các em lại thuộc làu sử Tàu, có thể kể vanh vách về các đời vua nhà Đường, nhà Tống, nhà Thanh… Nguyên do là phim ảnh về sử Tàu tràn ngập trên các phương tiện nghe nhìn, các em xem hoài xem mãi nên nhớ. Đó là sự xâm lăng văn hóa vô cùng nguy hại. Tôi nghĩ, bây giờ chúng ta lại xóa bỏ vị trí độc lập của môn lịch sử, tích hợp nó với các môn khác theo kiểu “hai trong một”, “ba trong một”… thì lại càng nguy hại không lường hết được. Làm công dân một nước mà không hiểu gì về lịch sử cha ông thì làm sao có được niềm tự hào dân tộc để đem hết tài năng trí tuệ xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong ước?
N.T.MỸ