(QNO) - Năm nào ba mẹ tôi cũng ấn định chiều mùng ba tết là ngày “đưa ông bà”. Ba ra lệnh cho các con đi chơi những đâu thì đi, 3 giờ chiều phải tập trung về nhà phụ ba mẹ nấu nướng, cúng kiếng. Lệnh của ba là bất di bất dịch, nên chúng tôi đi đâu cũng tranh thủ chạy về cho kịp giờ. Không chỉ về nhà phụ ba mẹ, quan trọng là mọi thành viên trong gia đình phải đông đủ, để tỏ bày sự thành kính ngay trong những ngày đầu năm mới.
Mâm cỗ đưa ông bà không bao giờ vắng mặt món cá lóc đồng nấu ám. Chúng tôi hỏi lý do tại sao cứ phải trung thành với món dân dã ấy, mẹ giải thích đơn giản: xưa bày nay bắt chước! Ba thì chi tiết hơn: ông bà mình quan niệm ăn cá lóc đồng đầu năm là mong ước được khỏe mạnh suốt cả năm. Con người có sức khỏe, mới đủ mạnh để chống chọi với thiên nhiên, vừa có thể tăng gia lao động sản xuất, nuôi sống bản thân và gia đình.
Cá lóc rất khỏe, mỗi khi làm thịt cá, phải dùng vật cứng gõ mạnh vào đầu. Cá lóc lại ngọt thịt, ai ăn cũng được, kể cả người ốm, vì thịt cá rất “hiền”. Thành lệ, không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình ở Quảng Nam đều làm món cá lóc đồng nấu ám để thưởng thức trong ngày đưa ông bà. Đi chợ mùng ba, phải đi thật sớm, vì ai cũng có nhu cầu mua cá lóc cúng đầu năm. Mới hơn 5 giờ sáng, khi chị em tôi còn đang say ngủ trong chiếc chăn ấm, mẹ đã cắp rổ ra chợ. Cá lóc những ngày này đắc gấp đôi gấp ba ngày thường, vậy mà vẫn không đủ phục vụ cho các bà nội trợ. Mẹ tôi rất giỏi phân biệt cá lóc đồng hay cá lóc nuôi. Cá lóc đồng cho thịt dai, thơm ngon, nên dù đắc mấy, mẹ cũng tìm mua. Món cá lóc nấu ám phải có nấm mèo, cà rốt, bún tàu, lá rau ngò đi kèm mới đúng điệu. Cá lóc làm sạch, khứa vài nhát dao, ướp gia vị vừa ăn, cho thêm chút bột nghệ, để cá có màu vàng. Cá được chiên qua, rồi um lên, cho nước vừa ngập mặt cá. Cho nấm mèo, bún tàu, vài lát cà rốt lên trên, rồi đun nhỏ lửa. Cá chín được bày ra cái đĩa vừa sâu vừa to, vừa sâu (đĩa to để chứa được một con cá lớn và các nguyên liệu đi kèm; đĩa sâu đựng nước, dùng kèm với bún). Sau đó rắc tiêu và lá ngò lên trên, thêm trái ớt đỏ tỉa nhiều tia, cho đĩa cá thêm phần bắt mắt.
Cả nhà quây quần bên mâm cỗ đưa ông bà ngày mùng ba tết. Mẹ nấu cả chục món, theo kiểu nấu người nhà quê, mỗi thứ mỗi đĩa nhỏ, đủ các món xào, trộn, kho, canh. Nhưng món cá đồng được xem là điểm nhấn trong mâm cỗ. Vào mâm, mẹ bao giờ cũng dành cho ba bộ lòng cá, như là một phần thưởng cho người đàn ông trụ cột trong ngày đầu năm mới. Mẹ biết đó là món ba rất hảo, nên mẹ kỳ cọ bộ lòng thật kỹ trước khi nấu. Những chỗ nạc, mẹ dành cho các con. Mẹ vừa gắp thức ăn vào chén, vừa giục chúng tôi ăn nhiều vô cho khỏe, cho thông minh, lanh lợi. Bên mâm cỗ đưa ông bà ngày mùng 3 tết, ai cũng ý thức ba ngày đầu xuân sắp trôi qua, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Ngày mai ba mẹ bắt đầu ra đồng, chúng tôi được chơi thêm vài hôm, rồi tiếp tục đi học. Hẹn mùng ba tết năm sau, cả nhà lại quây quần bên đĩa cá lóc nấu ám, mà ngày thường chẳng khi nào thấy mẹ nấu món đặc biệt này. Biết được ý nghĩa món ăn, tôi tin cá lóc được chế biến theo kiểu “nấu ám”, sẽ cho cảm giác ngon miệng, thú vị nhất trong rất nhiều cách chế biến từ cá lóc.
PHI KHANH