Mong chờ dự án nạo vét sông Cổ Cò

PHAN VINH 03/09/2019 09:58

(QNO) - Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đang được chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng xúc tiến thực hiện không chỉ có ý nghĩa trong việc liên kết vùng phát triển kinh tế của hai địa phương, mà còn là vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn thị xã Điện Bàn lâu nay bị tắc dòng. Ảnh: PHAN VINH
Sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn thị xã Điện Bàn lâu nay bị tắc dòng. Ảnh: PHAN VINH

Người dân hưởng ứng

Ông Đặng Công Cảm (khối phố Viêm Minh, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) có khoảng 3 sào đất lúa trên khu vực đất ruộng chuyển đổi cho dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò. Diện tích lúa này chỉ canh tác được vụ đông xuân, do đất thiếu màu mỡ và không chủ động được nước tưới. Canh tác bấp bênh nên khi dự án vào, ông Cảm nhanh chóng giao đất cho đơn vị chủ đầu tư.

“Sông Cổ Cò mà được khơi thông thì phần lợi nhiều hơn là chuyện canh tác lúa, hoa màu trên đất. Tôi có nghe ông bà kể, ngày trước, sông thông từ Hội An đến Điện Bàn, Đà Nẵng, thuyền bè đi lại tấp nập. Nhưng sau này do bồi lấp, tắc dòng chảy, không những không thấy ghe thuyền mà còn dễ bị ngập úng mỗi khi có lũ lụt. Vì vậy, nghe nói đến việc khơi thông lại sông Cổ Cò là tôi chấp hành chủ trương giao đất cho dự án ngay” - ông Cảm nói.

Nhiều người dân rất hưởng ứng dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò vì sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều người dân rất hưởng ứng dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò vì sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Ảnh: PHAN VINH

Ông Trịnh Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc cho biết, theo bản đồ trước đây và quy hoạch của dự án, sông Cổ Cò chảy qua địa bàn phường dài khoảng 3km, qua các khối phố Viêm Minh, Viêm Đông và Giang Tắc. Dự án sẽ khơi thông sông rộng ra khoảng 100m và ảnh hưởng đến 26ha đất ruộng chuyển đổi của người dân. Đến nay, đa số các hộ dân đã đồng ý chủ trương giao đất cho dự án và số ít còn lại đang chờ sự thỏa thuận về giá của đơn vị thi công.

Vào khoảng thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, sông Cổ Cò có tên là Lộ Cảnh Giang, là con đường thông thương cho thương gia nước ngoài xuôi dòng từ Hội An ra tiền cảng Đà Nẵng và ngược lại. Tuy nhiên, sau đó dòng sông bị bồi lấp gây tắc dòng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương hỗ trợ đầu tư nạo vét sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam với nguồn vốn lên đến 341 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của trung ương (trong tổng số 850 tỷ đồng của dự án).

Với chiều dài 28km (Đà Nẵng 9km), trong số hơn 19km chảy qua địa phận tỉnh, ngoài 9km thuộc TP.Hội An đã được nạo vét khơi thông, đoạn sông Cổ Cò qua địa phận thị xã Điện Bàn - nơi bồi lấp nặng nhất cũng đang được tiếp tục triển khai. Dự kiến, cuối năm 2020, dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn tỉnh sẽ được hoàn thành.

“Qua nhiều buổi tiếp xúc, vận động nhân dân chấp hành chủ trương liên quan đến dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, đa số nhân dân đều hưởng ứng và mong chờ dự án triển khai xong. Bởi vì, khi dự án được hoàn thành, sẽ giải quyết được vấn đề lưu thông dòng chảy, khắc phục tình trạng ngập úng trong khu dân cư và các khu đô thị đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, vấn đề du lịch đường sông sẽ được địa phương quan tâm khai thác, kết nối với Hội An và Đà Nẵng” - ông Lượng nói.

Tiêu thoát nước lũ

Còn đối với TP.Hội An, dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò được mong chờ sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, nằm ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn, mỗi năm, ảnh hưởng từ các đợt mưa bão, áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn kéo dài nên Hội An rất dễ bị ngập lụt. Những năm qua, chính quyền thành phố luôn nỗ lực tìm cách hạn chế tình trạng này, đặc biệt là siết chặt quản lý quy hoạch đô thị, khơi thông các luồn lạch trên địa bàn để kịp thời tiêu thoát nước vào mùa mưa lũ. Chính vì vậy, dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò khi được hoàn thành sẽ nối dòng với sông Đế Võng, đoạn chảy qua các xã Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Hà, tạo nên dòng chảy thường xuyên, khiến cho lưu lượng nước tiêu thoát lũ vào mùa mưa được nhanh hơn.

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Ảnh: PHAN VINH
Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn tỉnh dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Ảnh: PHAN VINH

“Đồng thời, trong quá trình nạo vét, độ sâu của sông Cổ Cò có thể chứa được một lượng nước lớn và làm giảm tỷ lệ ngập úng ở các khu vực mà sông đi qua. Trong đó, phố cổ Hội An sẽ được lợi rất nhiều, giảm thiểu tác hại của thiên tai gây ra do lũ lụt. Ngoài ra, sông Cổ Cò lưu thông còn được mong chờ sẽ cải thiện cảnh quan môi trường, tình trạng ứ đọng rác không còn và hệ sinh thái dưới lòng sông cũng sẽ được khôi phục, mang lại hiệu quả tích cực trong khai thác du lịch bằng đường sông” - ông Tường cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mong chờ dự án nạo vét sông Cổ Cò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO