Cả 3 anh em đều sinh ra và lớn lên ở TP.Tam Kỳ, tuổi ngoài 50 nhưng họ vẫn không có quốc tịch Việt Nam. Dù đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng, song do còn vướng những thủ tục pháp lý, nên mong ước được có quốc tịch Việt Nam của họ vẫn chưa trở thành hiện thực.
Bà Hàn Nguyệt Lý tha thiết muốn được nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh: P.N |
Bà Hàn Nguyệt Lý (SN 1956), ngụ 148, Phan Đình Phùng, TP. Tam Kỳ cho biết: “Cho đến bây giờ, tuổi đã xế chiều nhưng 3 anh em tôi đều không có quốc tịch Việt Nam, dù được sinh ra và lớn lên tại đây”. Theo bản khai sinh của bà Lý (được đăng ký lại vào ngày 31.10.1989), bà Lý và ông Hàn Chúc Nguyên (SN 1918, cha ruột bà Lý) có quốc tịch Trung Hoa - Đài Loan; còn bà Tạ Thị Bửu (SN 1918, mẹ ruột bà Lý) thì được ghi là “Quốc tịch: Việt gốc Hoa”. Theo lời bà Lý, vì tránh đi lính chế độ cũ nên khi đăng ký khai sinh cho bà và người anh Hàn Tấu Quang (SN 1950), người em Hàn Tuấn Quang (SN 1965), cha mẹ bà đều khai quốc tịch 3 anh em bà là Trung Hoa - Đài Loan.
Cũng theo lời bà Lý, trước đây, anh em bà đều có tên trong sổ hộ khẩu nhà 148 Phan Đình Phùng. Sau đó, do anh em bà không mang quốc tịch Việt Nam nên cơ quan chức năng đã xóa tên khỏi sổ hộ khẩu này. Hiện nay, 3 anh em bà đều không có chứng minh nhân dân, không có hộ khẩu. Bà Lý cho biết, chính vì không có quốc tịch Việt Nam mà anh em bà chịu rất nhiều thiệt thòi như không thể mua bảo hiểm y tế để hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh, phải đóng phí cao như người nước ngoài khi thực hiện một số thủ tục hành chính...
Năm 2012, 3 anh em bà Lý đã làm đơn đến các cơ quan chức năng xin nhập quốc tịch Việt Nam, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo lời bà Lý, để làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam, Sở Tư pháp yêu cầu bà phải có giấy tờ chứng minh đã thôi quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan). Khi bà Lý làm đơn xin thôi quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) thì Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP. Hồ Chí Minh lại xác nhận: “bà Hàn Nguyệt Lý chưa đến Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục nhập quốc tịch Đài Loan”. Chính vì bà chưa từng làm thủ tục nhập quốc tịch Đài Loan tại văn phòng này nên họ không thể làm thủ tục thôi quốc tịch cho bà.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề quốc tịch của anh em bà Lý, bà Trần Thị Kim Phụng - Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh gửi hồ sơ của 3 anh em bà Lý đến Bộ Tư pháp đề xuất cho nhập quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, do 3 anh em bà Lý không bổ sung được giấy tờ chứng minh đã thôi quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan); thêm vào đó thông tin về quốc tịch của các giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch của họ cũng không thống nhất, vì thế Bộ Tư pháp kết luận chưa đủ cơ sở để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho nhập quốc tịch. Bà Phụng cho biết thêm, 3 anh em bà Lý nên đến cơ quan Công an làm thủ tục xin gia hạn thường trú. Sở Tư pháp sẽ phối hợp với cơ quan công an để điều chỉnh hồ sơ của 3 anh em bà Lý thống nhất về thông tin quốc tịch; từ đó mới có cơ sở để đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết cho nhập quốc tịch.
PHƯƠNG NAM