Từ vàng mai xứ Huế đang “hồi sinh” bên kia đèo Hải Vân đến sắc sưa vàng cổ thụ đã mở thành hội ở thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam, phải chăng nhịp sống hiện đại đang ngày càng được cộng đồng chăm chút và điểm xuyết những nét lãng mạn…
Không phải cứ yêu quý loài thảo mộc nào đó, bứng về, trồng xuống đất là chúng bén rễ xanh cây. Một nhà nghiên cứu văn hóa từng lục tìm trong châu bản triều Nguyễn rồi thốt lên: Cây sa kê mất hút đâu rồi? Ấy là bởi, chỉ vài năm sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã lệnh cho các dinh trấn chuyển về kinh đô ít nhất 3 giống cây quý.
Từ Gia Định, những cây sa kê con được bứng ra Huế, thêm 1.000 trái dừa mộng Bình Định và 200 cây cam Hải Dương. Giống dừa mộng Bình Định và cam Hải Dương không rõ xanh tốt thế nào, riêng cây sa kê thì không chỉ mất hút ở cố đô mà thậm chí “rút lui” cả ở miền Nam vì nhiều lý do.
Giờ thì cố đô Huế đang khôi phục hoàng mai, giống mai quý hiện diện trên Cửu đỉnh trong tổng số 153 hình ảnh mang tính biểu tượng của đất nước. Hơn 180 năm kể từ ngày vua Minh Mạng cho khắc hoàng mai lên Nghị đỉnh (thuộc Cửu đỉnh), giống mai 5 cánh này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát động trồng trong một phong trào mang tên “mai vàng trước ngõ” và nghĩ về diện mạo “thành phố hoàng mai” và cả “lễ hội mai vàng” trong chuỗi sự kiện Festival Huế…
Nhặt nhạnh chuyện trồng sa kê trong quá khứ, hay hoàng mai xứ Huế hiện tại, để nhắc về một giống cây quen thuộc cũng đang được phát động trồng ở xứ Quảng: hoa sưa.
Trong khi “lễ hội mai vàng” vẫn đang ấp ủ, các giống hoàng mai quý hiếm vẫn đang lần lượt trồng trước ngõ nhà dân xứ Huế thì “lễ hội hoa sưa” đã mở vài năm nay ở thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam, với tâm điểm Vườn Cừa – Hòa Hương – Tam Kỳ.
Lễ hội năm nay, “Sắc sưa Hương Trà 2023”, có thêm một điểm nhấn: Lễ phát động trồng sưa. Giống đã có sẵn, nhưng như một lãnh đạo TP.Tam Kỳ chia sẻ, bước đầu địa phương chỉ trồng với số ít, mang tính “nhắc nhớ” cộng đồng về loài cây đặc trưng. Chờ thời tiết thuận lợi, nhất là dịp tết trồng cây sắp tới, sưa sẽ được trồng nhiều hơn.
Ai trồng cây, người đó có bóng mát. Những cây sưa trồng mới dịp này còn phải chờ nhiều năm nữa mới rợp bóng. Nhưng không sao, vì đã có những cội sưa vàng đứng đó làm nhân chứng thời gian, kể cả nhân chứng tình yêu.
Vì tôi tin, những cặp đôi làm lễ rước dâu tại không gian lãng mạn Vườn Cừa vào chiều Chủ nhật này (23/4) cũng sẽ mang theo trọn vẹn sắc hoa vàng vào đời sống hôn nhân...
Hội sưa năm nay không chỉ có “sự kiện” đám cưới tập thể mà còn nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, thể thao… sôi động khác nữa. Đã nhiều năm nay, cứ đến tháng 4 lại thấy “gần xa nô nức yến anh” để hẹn hò cùng vàng sưa.
Mà đâu phải với riêng sưa vàng. Chỉ một chiếc lò gạch cũ ở Duy Xuyên thôi, hay xanh mướt đồi chè Đông Giang, những vạt cúc họa mi nở trắng muốt ở Hòa Vang, vài cung đường tím ngắt thàn mát dẫn lên đỉnh Sơn Trà… cũng đủ làm nên điểm check-in hấp dẫn.
Mới thấy, cuộc sống không phải lúc nào cũng hối hả, cũng tất bật, cũng chỉ quẩn quanh chuyện “cơm áo gạo tiền”. Ngay trong không gian bình dị đó, với cây cỏ thân thuộc đó, cùng ký ức đằm sâu đó…, nếu chúng ta biết nhìn ra giá trị cần nâng niu và vẻ đẹp tiềm ẩn cần đánh thức, thì ngày thường cũng có thể hóa thân thành lễ hội.
Có những cây cỏ thân quen đến nỗi nhiều khi chúng ta không “nhìn thấy”, cho đến khi chúng bén rễ cùng năm tháng, hóa thành biểu tượng để nhận diện xứ sở và được nhận ra.
Đẹp làm sao những giấc mộng với hoa, hay “mộng dưới hoa” như tiêu đề một ca khúc của Phạm Đình Chương. Và có lẽ nên mượn thêm ý thơ của Huy Cận, mời người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm, trong lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng… để làm nở rộ những mùa hoa giữa nhịp sống hối hả đời thường.