“Suốt bao nhiêu năm qua, tôi luôn đau đáu chuyện sẽ tìm lại quê hương, tìm lại người thân cho mẹ! Thông tin tôi có được chỉ là những mảnh ký ức vụn vặt của mẹ! Thẻ căn cước của bà có ghi nơi sinh Lộc Châu, Duy Xuyên. Nhưng đó chỉ là lời khai để làm thẻ căn cước, còn sự thực, bà không nhớ rõ quê mình ở đâu, Duy Xuyên hay Đại Lộc. Nay mẹ mất rồi, tôi không muốn đời mình lại cứ đau đáu nỗi niềm không quê hương của mẹ trước đây!”- câu chuyện của ông Tăng Minh Dũng như trải dài trước mắt nỗi niềm thăm thẳm…
Mảnh ký ức của mẹ
Ngày gặp mặt đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Cần Thơ, trong khi mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng thì ngay góc hội trường, có người đàn ông khoảng 50 tuổi ngồi lặng lẽ. Ông đưa mắt quan sát mọi người rồi thở dài. Tôi đến ngồi cạnh ông, bắt chuyện. Ông là Tăng Minh Dũng. Mắt ông sáng lên khi biết tôi là người Duy Xuyên, rồi ông ngập ngừng: “Quê ngoại tôi cũng ở Duy Xuyên nè! Nhưng mà không biết có đúng không nữa, tôi vẫn chưa tìm đúng nơi mẹ mình sinh ra”. Rồi ông đưa cho tôi thẻ căn cước của mẹ mình, trên đó có các thông tin: tên Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1942 (thực tế bà Mai sinh năm 1940, theo lời ông Dũng), quê quán Lộc Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam, cha là Nguyễn Có, mẹ Nguyễn Thị Có.
Chân dung bà Nguyễn Thị Mai (x) lúc còn trẻ - Ảnh do ông Tăng Minh Dũng cung cấp. |
“Tôi chẳng biết quê quán của mẹ ghi trên thẻ căn cước có đúng hay không vì nó được bà khai vào năm 1970, lúc đó ký ức của bà về nơi chôn nhau cắt rốn đã bị mờ nhạt. Tôi muốn kể ra đây để biết đâu có ai đó đọc được và nhận ra được mẹ tôi. Nhờ đó, tôi lại tìm ra được người thân, biết được quê ngoại mình ở đâu”.
Theo câu chuyện được kể kiểu chắp vá của mẹ, ông Dũng thuật lại, bà cũng không nhớ rõ quê mình ở Duy Xuyên hay Đại Lộc. Bà chỉ nhớ mình là con thứ 10 trong gia đình. Năm bà khoảng 9 tuổi (1949), làng bị địch càn quét dữ dội, cha mẹ bà đều chết trong trận càn. Đến khi mở mắt ra giữa những xác người, bà không còn thấy người thân trong gia đình. Bà còn nhớ những tháng ngày đó mưa dầm dề suốt ngày đêm. Sau sự mất mát khủng khiếp đó, bà Mai được một người dì ở Đà Nẵng nhận về nuôi. Vài năm sau, người dì cũng mất vì bệnh nên bà Mai xin đi ở cho một người nhà ở gần sân bay Đà Nẵng. Đến năm 1960, bà gặp một người lính cộng hòa có đơn vị đóng tại sân bay Đà Nẵng và lấy làm chồng. Một năm sau, ông Dũng ra đời. Đến năm 1964, cả gia đình ông Dũng chuyển vào Sài Gòn sinh sống.
“Thời đó, gia đình tôi rất khó khăn, phải chạy vạy từng miếng ăn nên không ai nghĩ đến chuyện tìm lại người thân, quê hương cho mẹ. Những tháng ngày về già, mẹ cứ ngồi lẩm bẩm những câu chuyện ngày xưa. Tụi tôi chưa kịp thực hiện ước nguyện của mẹ thì bà đã bất ngờ ra đi sau cơn đột quỵ. Tôi biết, mẹ nhắm mắt mà cũng không yên lòng nên tôi và mấy em của mình quyết tâm lần này phải tìm cho được quê của mẹ, rằng chúng tôi còn có người thân họ hàng nào nữa không ở quê ngoại” - ông Dũng chia sẻ trong nước mắt.
Mong tìm quê ngoại
Nỗi niềm của ông Dũng đã giữ tôi ở lại Cần Thơ sau cuộc họp đồng hương. Bên dòng sông đỏ ngầu phù sa của miền Tây Nam Bộ, ông kể thêm lần nữa những ký ức chắp vá của mẹ. Trời bỗng đổ cơn mưa và kéo dài cả buổi chiều. Tôi buột miệng bảo: “Mưa như thế này, giống y mùa mưa ở quê. Dầm dề kéo dài cả tháng”. Giọng ông Dũng chợt hân hoan sau câu nói đó: “Đúng rồi, mẹ tôi kể cái ngày làng bị địch càn quét, mưa to lắm! Khi mẹ tỉnh dậy trời cũng mưa như trút nước. Rồi nhiều ngày sau đó, mưa và lạnh suốt. Chính vì ký ức đó mà mỗi khi trời đổ mưa mẹ lại khóc nhớ ông bà ngoại và các cậu dì của tôi! Tôi đã bao lần chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ. Giờ thì chắc mẹ cũng đã gặp lại cha mẹ và anh chị mình nơi thế giới bên kia. Chỉ có chúng tôi lại bắt đầu đau đáu nỗi niềm quê hương”.
Nếu bạn đọc có được những thông tin liên quan hoặc trùng khớp với câu chuyện về bà Nguyễn Thị Mai, có thể liên hệ trực tiếp với ông Tăng Minh Dũng, 135 Lê Hồng Phong, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ; điện thoại liên hệ: 090.378.7505. |
Ông Tăng Minh Dũng là chủ của một tiệm sách lớn ở số 135 đường Lê Hồng Phong, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Trước đây, ông không hề biết có các cuộc họp đồng hương, cho đến khi tình cờ gặp một khách hàng người Quảng và biết rằng ở Cần Thơ có Hội đồng hương Quảng Nam. Ông đến cuộc họp đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng mang theo niềm hy vọng ở đó người ta có thể biết nhau nhiều về quê hương Duy Xuyên, Đại Lộc.
Ông Dũng bảo cha ông là người Hà Nam, hồi chiến tranh loạn lạc cũng lạc cả gia đình, nhưng rồi sau bao năm cũng đã tìm ra được lại quê nhà gốc gác. Chỉ có quê mẹ thôi là mấy anh em ông cứ luôn trăn trở. “Nếu đúng thì người ta nói quê nội là quê hương, chứ quê ngoại thì mấy ai nhớ! Nhứt là khi mẹ tôi đã mất rồi. Vậy mà sao tôi vẫn không yên lòng được. Chỉ cần một manh mối thôi, một người biết về mẹ tôi hoặc có một thông tin dù nhỏ nhất, anh em tôi sẽ về quê ngay để tìm người thân, họ hàng bên ngoại. Dù thời gian có thể là một năm hay mười năm”.
Cần Thơ vẫn mưa rưng rức khi tôi chia tay ra về. Ông Dũng đỏ hoe mắt, nắm chặt tay tôi và bảo: “Tôi chẳng biết nói sao, nhưng tôi mong thông qua Báo Quảng Nam, những mảnh ký ức của mẹ tôi sẽ được ai đó ngoài quê đọc và biết đâu tôi sẽ tìm lại được quê mẹ của mình”.
MINH KIỆT