(QNO) - Ngày hội khóa rộn ràng, ấm nồng tình cảm rồi cũng trôi qua, lắng đọng trong lòng thầy cô, cựu học trò là ngùi ngùi lưu luyến, nhớ nhung... sau niềm vui hạnh ngộ.
Thật là trùng hợp ngẫu nhiên khi chuẩn bị về lại trường xưa họp mặt, thì tôi đọc được bài thơ “Về đi mi...” của cô giáo xứ Quảng - Lê Thị Điểm trên Báo Quảng Nam: “Mi về họp lớp đi mi/ Bốn mươi năm lẻ mi đi phương nào/ Từng qua/ Cay đắng?/ Ngọt ngào?/ Về đây san sẻ cùng nhau mi à/…/ Bây chừ bẻ nhớ làm đôi/ Quẳng lo toan/ Ướp lên môi nụ rằm/…/ Về thôi mình cạn tuổi rồi/ Lạc nhau/ Khản giọng/ Gọi thời đã xa...”.
Lời thơ mộc mạc nhưng ý tứ đằm sâu, như nói hộ lòng mình. Tôi hân hoan mường tượng về những vòng tay ôm, những cái nắm tay chân tình, nồng ấm của thầy cô, bạn bè trong ngày vui hội ngộ sau bao năm mỗi người một ngả.
Nhưng rồi, lòng chợt chùng xuống. Ấy là khi khóa tôi tập trung sớm, từ chiều tối hôm trước để chuẩn bị mâm cúng tưởng niệm thầy cô và các bạn không may qua đời… Có những gương mặt thân thương, giờ chúng tôi chỉ có thể gặp trong ký ức.
Trải bao nhiêu năm mới có một ngày hội ngộ. Mỗi người đã lạc trôi đâu đó giữa những nhớ quên khuất lấp, bởi thời gian và tuổi tác. Để rồi, ngày hội ngộ, bao kỷ niệm lại trỗi dậy trùng trùng như sóng, chắp nối liền lạc, không dứt...
Biết bao kỷ niệm về một thời khốn khổ nhưng đầy tình cảm của thầy cô dành cho học trò và của bạn bè dành cho nhau lại ùa về; câu chuyện về những học trò tinh nghịch nhưng rất đáng yêu trong mắt thầy cô, cả chuyện trốn học, trèo tường... Những câu chuyện cứ thế miên man trong niềm vui và trong cả những giọt nước mắt xúc động.
Cô giáo dạy Hóa trường tôi kể, cô nhớ mãi những tiết học đầu giờ buổi sáng mùa đông của miền Trung. Từng cơn gió mang theo cái lạnh thấu xương lùa vào phòng học. Môi cô trò đều tím tái, tay chân co ro vì áo quần không đủ ấm. Nhưng tất cả đã vượt qua, mạnh dạn và tự tin bước đi, để giờ đây lại được trở về bên nhau.
Chương trình hội khóa luôn có phần tặng quà học sinh vượt khó. Khi những cô cậu học trò THPT quần xanh áo trắng lên bục nhận quà, cô giáo dạy Văn quay sang nói nhỏ với đám cựu học trò: “Hình ảnh các em của mấy mươi năm trước là như vậy đó, giờ các em trưởng thành, thầy cô rất mừng và nếu thầy cô không nhận ra, không nhớ hết, các em thông cảm nghen”.
Sau hội khóa, bạn tôi nhận được tin nhắn chứa đựng tình cảm của cô giáo cũ: “Cô về mà áy náy quá vì đã không nhận ra em ngay từ đầu. Sao cô lại không nhớ một học trò giỏi văn mà cô đã rất thương nhỉ?”. Nhớ nhớ quên quên từng học trò cũ là thường tình, nhưng cô vẫn áy náy.
Còn những đứa học trò cũng tự trách mình thật nhiều khi không thể nhận ra hết những gương mặt bạn bè, thầy cô... Qua bao năm tháng, thầy cô thay đổi nhiều, còn lứa học trò ngây thơ ngày nào, giờ tóc ngả màu và gương mặt cũng đã bắt đầu hằn những nếp nhăn.
Chủ đề của hội khóa được chọn là “ngày trở về”, chứ không phải “ngày ra trường”. Thầy chủ nhiệm cũ của tôi tinh ý bảo: “Các em chọn “ngày trở về” mà không gọi là “ngày ra trường”, đủ để thầy cô cảm nhận, các em rất tình cảm, vì có những bạn chỉ học lớp 10, lớp 11 rồi nghỉ học giữa chừng do hoàn cảnh khó khăn, nên các bạn ấy không có “20 năm, 30 năm ngày ra trường” mà chỉ có “20 năm, 30 năm ngày trở về”.
Thầy cô dạy trường huyện chúng tôi thuở ấy phần lớn trẻ, có thầy cô vừa tốt nghiệp đại học đã về đây công tác, nhiều thầy cô quê các tỉnh Bắc miền Trung trở ra. Các thầy cô xa quê ở khu tập thể gần trường. Sau đó một số chuyển công tác đến các nơi khác hoặc về lại quê nhà.Hẳn nhiên, phải rất yêu thương học trò cũ, các thầy cô - nay tuổi đã cao, mới vượt đường xa có khi cả ngàn cây số, để về bên trò xưa trường cũ. Bạn bè tôi, có người đến phút chót mới sắp xếp được công việc để vượt quãng đường cũng xa cả ngàn cây số để trở về hàn huyên trong chớp nhoáng rồi vội vã quay lại với công việc.
Chúng tôi đều đã trưởng thành, dẫu công việc và cuộc sống mỗi người khác nhau, nhưng trong lòng thầy cô, chúng tôi vẫn cứ như những cô cậu học trò ngây thơ, cần được bảo ban, chỉ dạy. Chia tay, chúng tôi mong thầy cô thật nhiều sức khỏe, còn thầy cô chúc chúng tôi thành công, và đặc biệt mong muốn chúng tôi trở thành những người tử tế.
Các nhóm zalo lớp, zalo khối, bảng tin (news feed) facebook tràn ngập hình ảnh, clip, dòng trạng thái đầy cảm xúc của ngày họp lớp, họp khóa vừa để lưu giữ kỷ niệm, chia sẻ cảm xúc, vừa để những thầy cô, bạn bè không dự được vẫn có thể “trở về” cùng bạn bè, thầy cô và mái trường xưa. Một số bạn định cư bên kia bán cầu, không về được, dặn chúng tôi chụp ảnh, quay clip thật nhiều và livestream để bạn theo dõi.
Năm nay như "được mùa" họp lớp, họp khóa bởi 2 năm dịch giã đã ngăn chặn mọi nỗ lực gặp gỡ của thầy cô, bạn bè. Họp lớp, họp khóa với chúng tôi ngày trở về, là tri ân thầy cô, là hội ngộ thầy bạn, là chia sẻ và kết nối dài lâu, là tìm về khung trời kỷ niệm của một thời yêu dấu.
Khơi gợi ký ức, bỗng dưng tôi nhớ “Khúc mưa” đầy ngậm ngùi của Đỗ Trung Quân: “Em như hạt mưa trên phố xưa/ Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ/ Kỷ niệm như rêu.../ Giẫm vào anh trượt ngã/ tình xưa xa lắm rồi...”.
Có khóa tổ chức đấu giá tranh vẽ về mái trường, áo có chữ ký bạn bè hay các vật phẩm khác trong ngày hội để gây quỹ khuyến học.
Tôi nghĩ, không hề “tình cờ” khi tiệc chiêu đãi trong ngày hội ngộ, có nơi các cựu học sinh chọn món khai vị là sắn, khoai lang luộc, muối đậu, và một trong những món ăn chính là mỳ Quảng... Những món ăn đạm bạc, dân dã, đậm đà Quảng Nam nhưng chất chứa cả một trời thương nhớ.
Và có lẽ rằng, “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại", như lời bài hát của nhạc sĩ Xuân Phương mà chúng tôi cất lên trong ngày hội khóa.