Khi quy mô của mạng lưới đô thị Quảng Nam còn khá nhỏ bé, ngoại ô của phố như ngay sát cạnh bên và vẫn đượm hương sắc quê nhà ngày cũ.
“Thị xã” thân quen
Đã nhiều lần chúng tôi nghe người ta gọi Hội An là thị xã. Từ nhà quản lý, du khách đến người dân đều muốn gọi phố bằng cái danh xưng nhỏ nhắn, mộc mạc ấy. Tất cả đều biết Hội An đã nâng cấp lên thành phố từ lâu, nhưng trước đó bóng dáng phố đã hiện diện trong tâm thức họ theo nhiều cung bậc khác và dường như chỉ khi gọi bằng hai tiếng “thị xã” thì mới lột tả chân thực vẻ đẹp thanh nhã của đô thị này.
Dù thế nào, cơ sự để mọi người quyến luyến gắn danh xưng thị xã cho Hội An là bởi thành phố này vẫn nhỏ bé sau bao năm. Với diện tích hơn 60 cây số vuông, Hội An chỉ chiếm chưa đến 1% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, ấy là chưa nói một phần diện tích của thành phố là xã đảo Tân Hiệp. Diện tích tự nhiên eo hẹp, nên phần nội thị của đô thị di sản này càng gói gọn hơn, xem chừng chỉ nhoáng một cơn mưa rào là ai đó đã có thể lang thang hết mọi ngõ ngách của thành phố.
Chính lãnh đạo địa phương cũng nhiều lần khẳng định, dù rất cần thiết nhưng thành phố không thể mở những tuyến đường trong khu vực nội thị Hội An rộng lớn hơn được. Có lẽ là bởi mọi người cảm nhận rằng càng rộng lớn lên thì Hội An như lại dần đánh mất một phần vẻ đẹp riêng có của chính mình.
Dường như, cũng chẳng có mấy thành phố lâu đời nào mà mọi người có thể thong thả đạp xe dăm ba phút về mọi ngả là đã chạm bước đến ngoại ô. Không còn là một “thị xã dưỡng già” ngày cũ, nhưng sự chuyển tiếp giữa nội thị và ngoại ô của thành phố này đủ mềm mại để khiến du khách bâng khuâng trên hành trình rong ruổi bởi lạc bước trong việc phân định giữa “phố” và “làng”…
Giá trị của vùng ngoại ô
Rộng ra ngoài Hội An, tất thảy đô thị trên địa bàn tỉnh cũng đều có quy mô khá nhỏ. Vùng lõi đô thị chỉ bó gọn trong vài tuyến phố và từ vài góc của nội thị có thể dễ dàng phóng tầm mắt nhìn thấy quang cảnh vùng ngoại ô. Mỗi lần có ai đó xới lên về câu chuyện phát triển đô thị, lại nghe đâu đó tiếng thở dài của nhà quản lý khi từ vùng nội thị xoay bán kính chỉ vài trăm mét đường chim bay là lại thấy khung cảnh đồng quê.
Dù vậy, nhìn ở một khía cạnh tích cực, vùng ngoại ô Quảng Nam vẫn chứa đựng những giá trị riêng biệt đủ để khiến nhiều người phải nuối tiếc nếu nó bị xóa nhòa. Ở ngoại ô có rất nhiều thứ mê hoặc thị dân, là biển, là vườn sưa hay chỉ là một bàu nước nhỏ lác đác sen súng. Một bữa trà rượu, dăm tách cà phê thậm chí chỉ là cuộc dạo chơi thoáng qua cũng đủ khiến những người đã bịn rịn chẳng muốn rời đi. Nhất là khi lối quay lại nhà của họ lắm lúc chỉ cách một con đường.
Khư khư giữ lấy không gian ngoại ô không phải là lựa chọn tối ưu trong tiến trình phát triển đô thị, nhất là giải tỏa áp lực cho vùng nội thị. Nhưng nâng cấp các khu vực ngoại ô một cách khiên cưỡng để đáp ứng các chỉ số đô thị hóa xem chừng chỉ là giải pháp tình thế và khó tạo ra hệ sinh thái đô thị bền vững lâu dài. Như lời ông Ngô Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng: “Đô thị phải gắn với chức năng, ngành kinh tế cụ thể chứ không thể cứ tạo ra quỹ đất là có đô thị được”.
Hội An sẽ mãi loay hoay với câu chuyện đáp ứng các tiêu chuẩn để đạt đô thị loại II theo quy định nếu không có những “đặc cách” vượt trội. Chẳng ai muốn “thị xã” nhỏ bên sông Hoài như cách gọi trìu mến lâu nay của mọi người phải khoác lên những “tấm áo mới” lạ lẫm để theo kịp tiến trình đô thị hóa.
Những đô thị mới, thành phố mới khác trên toàn tỉnh rồi đây cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng được - mất khi thay thế những không gian quý báu của làng, của vùng ngoại ô bằng phố xá thênh thang.
Bởi, có nhiều con đường để phố trở thành một thương hiệu toàn cầu. Dù rằng nơi không gian ấy, theo bước chân người, chỉ một cung đường ngắn là đã chạm ngõ ngoại ô…