(Xuân Tân Sửu) - Nhiều lần ngồi nhớ lại trong cơn vật vã thèm… rừng, tôi tự hỏi, nếu bỏ hết mọi thứ để nhớ rừng, thì nhớ cái gì? Câu trả lời là: bếp lửa nhà sàn.
Năm 1995, chuyến đi ngược sông Ba Lòng giữa mịt mùng mưa tháng 11 bất ngờ bị lũ, cả nhóm chúng tôi đành ghé trú nhờ nhà người Vân Kiều ở xã Húc Nghì (huyện Đa Krông, Quảng Trị). Đêm lạnh cắt da, khách 5 người, chủ nhà làm chi có đủ chăn ấm.
Tôi nhớ ông Thông - Trưởng ban Dân tộc miền núi tỉnh Quảng Trị, nói như không: Cho thêm lửa! Chủ nhà hăng hái đun mấy gốc to vào, thế là quay chân vào đó và ngủ. Tôi dậy hơi trễ, thấy ông và vợ chồng chủ nhà thì thào bằng tiếng Vân Kiều trong ánh lửa bập bùng, như thể họ chưa từng ngủ. Bài học vỡ lòng đầu đời làm báo khi đi về rừng của tôi, là từ đây.
Những năm tháng lang thang miền Trung, Tây Nguyên, bếp của người miền núi với tôi là lễ hội, không chỉ có hân hoan, mà ở đó hình như cả một ngày một tháng một đời người, những tâm tư không nói bằng lời thu gọn trong hình hài cái gọi là phận người. Họ ngồi im, nhìn lửa, nấu nướng.
Chỉ có lửa, lúc tí tách, lúc bùng lên, như truyền tâm vào họ, rồi tất cả hòa một điệu hư vô, là khói, ám vào miếng thịt rừng mới kiếm được hôm qua, vào trái bắp, hạt lúa rẫy đeo lủng lẳng trên đó, chờ mùa đốt rẫy tới. Chỉ có lửa và đôi mắt họ, trong, buồn, bí ẩn và đơn giản. Mật ngôn từ lửa và chủ nhà, được viết bằng ánh mắt khi lửa đã tàn, chỉ còn than vùi trong tro ấm, rằng, đừng để hơi ấm rời khỏi ngôi nhà của mẹ rừng. Còn rừng, còn nhà là còn lửa.
Câu chuyện lũ quét, xé toạc rừng, vùi dập nhà cửa, chia lìa người thân trong tháng 9, tháng 10 năm Canh Tý, mãi mãi là một chương đau buồn. Dựng nhà, lập làng, tái thiết cuộc sống mới, đang là mệnh lệnh khẩn thiết. Tôi chỉ quẩn quanh với ý nghĩ rằng, làm nhà thế nào để họ, những đứa con của rừng, mai này không đổ vỡ giấc mơ nguồn cội, bởi mọi thứ bắt đầu đều có thể và không thể.
Tôi hỏi thì ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My quả quyết rằng, sẽ làm nhà sàn cho bà con, khi huyện đang sắp xếp 45 khu dân cư. “Chính phủ cấm khai thác rừng, nên rất khó khăn trong việc làm nhà. Gỗ ở đâu? Huyện đã có chủ trương dùng vật liệu bê tông làm cột đến đòn tay là sắt, xung quanh vách phên bằng gỗ tạp, sàn bằng lồ ô. Vừa rồi bà con ở Trà Leng không chịu làm nhà sàn, lý do ở trệt quen rồi, lót gạch men. Nhưng quan điểm của huyện dứt khoát phải làm nhà sàn. Giá thành sẽ đội cao lên, chúng tôi sẽ kiến nghị với tỉnh, chứ không thể để chuyện nhà sàn bị xóa sổ, bởi không giữ được thì làm sao phát triển du lịch cộng đồng mang bản sắc miền núi?” - ông Dũng nói.
Tôi nghe mà mừng rơn khi Nam Trà My quyết tâm làm điều đó. Bạn đi miền núi, vào một nhà đồng bào, bước chân có bao giờ rụt rè trong ý nghĩ ở đó là một thế giới khác không, khi mình đặt nửa bàn chân vào cái ngạch cửa nối cầu thang và nhà? Tôi có cảm khác, hoặc mình sẽ bị chối từ, thành người xa lạ, hoặc sẽ được chào đón như khách quý, khi đôi mắt chủ nhà nhìn mình xuyên qua ánh lửa?
Vì thế, mấy bậc thang nhà sàn, như cầu nối hư ảo và thực tại, mặt đất và đám mây, giữa trần trụi văn minh và nhiệm màu nguyên thủy. Không bậc thang, không bếp lửa, còn gì là núi? Cơn lốc văn minh đẩy người miền núi đi quá xa rồi, chỉ còn những ai tha thiết bóng rừng khi nâng chén cơm lên, thấy sương mai gió sớm và tiếng chày giã gạo khi canh sáng bắt đầu, gói gọn trong cái nhìn của lửa. Làm thế nào để họ giật mình ngó lại?
Pơloong Plênh, cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin huyện Tây Giang nói rằng: cột, bậc thang nhà sàn, gươl người Cơ Tu đều là con số lẻ, mà điều này xuất phát từ tín ngưỡng trong văn hóa Đông Sơn. Kiến trúc luôn là số lẻ, ví dụ quanh nhà là 8 cây cột, thì cây cột cái ở giữa nữa là 9; bậc thang là 3, 5, 7; đòn tay cũng lẻ. Tuy nhiên khi cúng thì họ đọc chỉ 6 lần, từ 6 mà đếm ngược thì chọn 3 hoặc 1, 5.
Chưa kể là trang trí chim thú, lửa, nước, cảnh lao động sản xuất, lễ hội... tất cả gắn liền tư duy nguyên thủy với tín ngưỡng mang sắc màu bái vật giáo và nguồn mạch ẩn hiện từ cội nguồn văn hóa Đông Sơn. Tôi hỏi anh, nguồn tư liệu về con số lẻ trên ở đâu? Anh đáp liền không có sách đâu, chỉ nghe các cụ nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang A Rất Blui cho hay, tại huyện này giờ chỉ còn 40% là nhà sàn. Mất làng, là mất văn hóa, mà văn hóa là chi, nếu chẳng phải là câu chuyện được kể bên ché rượu cần, tiếng rì rầm của bếp lửa canh khuya, là phán truyền không dứt của người già như ý niệm truyền nối tri thức muôn đời bất lập văn tự của trời với đất. Tri thức bản địa, là đây chứ đâu. Bây giờ già làng còn đó, nhưng uy quyền, uy tín của họ, hẳn không chất ngất như xưa nữa, và rồi sẽ mất đi, như mây rong chơi đầu núi?
Quay lại với nhà truyền thống, đó là mệnh lệnh văn hóa. Nhưng muốn làm, thì phải theo thiết kế đặc trưng miền núi, tùy theo tộc người, để không phải thêm một lần nuối tiếc.
Trong một bài viết của mình, nhà văn Nguyên Ngọc kể rằng, khi ông Núp (anh hùng Núp) tập kết ra Bắc, ông đau bịnh chi đó, người cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, buồn bã, dật dờ, y bác sĩ bó tay. Nhưng khi sơ tán về Hòa Bình, ở đó có người miền núi, tự nhiên ông khỏe hẳn ra. Lý do ở đó có bếp lửa nhà sàn. Vậy là bệnh của ông là thèm Lửa! Đọc đến đây, tôi thừ ra.
Có đứa con miền núi nào giờ đang lưu lạc phương xa, khi mùa đông tới, có nhớ về bếp lửa của mẹ, đốt lên những trường đoạn êm đềm, làm giật mình ngó lại chứng minh thư của mình, không phải là miếng giấy vô hồn, mà chữ ký chứng thực mình là thế đó, là đứa con của rừng, giờ thế này đây…